Doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ mất thị phần vì đại dịch

author 07:37 05/09/2021

(VietQ.vn) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đang oằn mình chống đỡ khó khăn. Bên cạnh đó, vận chuyển hàng hoá ngưng trệ, các đơn hàng bị huỷ bỏ khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị mất thị phần

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong tháng 8, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,94 tỷ USD, giảm 9,7%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,26 tỷ USD, giảm 4,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 5,4%.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%.

 Ngành hàng xuất khẩu đang đối diện nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh hoạ

Cũng trong thời gian này, dựa trên số liệu thống kê được có đến 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%. Điển hình, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 12,8%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỷ USD, tăng 49,9%. 

Bộ Công Thương nhận định, hiện tại, tình trạng ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa vẫn đang xảy ra. Tại một số địa phương, công tác tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn cứng nhắc, ban hành một số quy định không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ cho biết, các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng", Bộ Công Thương lo ngại.

Bên cạnh đó, cơ hội với xuất khẩu là rất lớn khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại. Trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm.

Thế nhưng, Bộ Công Thương cũng đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân được đưa ra là bởi các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến"… Không những vậy, việc lao động về quê tránh dịch cũng dẫn đến nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử…

Trước đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - 3 địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước - hiện nay diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.

Còn tại Hậu Giang, hầu hết nhà máy thủy sản đã đóng cửa do không đáp ứng được "3 tại chỗ", thiếu công nhân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà máy chế biến nằm trong "vùng đỏ" nên toàn bộ lao động từ "vùng xanh" không tới làm việc được tại nhà máy.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều doanh nghiệp đã cân nhắc tới phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn nếu trước 15/9 tình hình dịch bệnh ở các địa phương chưa được ngăn chặn và các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang