Những loại thuốc gây tổn thương gan nghiêm trọng

author 17:27 30/09/2021

(VietQ.vn) - Trong các nguyên nhân gây tổn thương gan chính là do uống một số loại thuốc. Vậy đâu là những loại thuốc cần tránh dùng lâu dài.

Gan là cơ quan giữ nhiều chức năng quan trọng và phức tạp. Trong đó, chức năng quan trọng nhất là giải độc và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Gan cũng rất dễ tổn thương do nhiều nguyên nhân khách quan như miễn dịch yếu, rối loạn chuyển hóa và những nguyên nhân chủ quan như nghiện rượu, ăn nhiều chất béo hay sử dụng thuốc trong thời gian dài… khiến gan bị ngộ độc, suy gan, viêm gan, thậm chí có thể dẫn đến hoại tử gan.

Trong các nguyên nhân gây tổn thương gan thì viêm gan có thể do thuốc là một vấn đề khá phổ biến hiện nay, với tỉ lệ lên đến 10% trong các phản ứng phụ do thuốc gây ra.

Nhiều loại thuốc gây tổn thương gan nên biết để tránh dùng lâu dài 

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, một số loại thuốc có thể gây độc cho gan, làm tăng men AST, ALT gồm các kháng sinh, kháng khuẩn, kháng nấm, thuốc chống lao, thuốc trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị mỡ máu, vitamin, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc kháng histamin trị dị ứng, thuốc tân dược, thuốc có nguồn gốc từ thực vật hoặc thực phẩm chức năng. 

Thuốc giúp tăng trưởng cơ Anabolic steroids, kích thích tố sinh dục Estrogens và androgens, thuốc ngừa thai uống: Gây u gan; Thuốc điều trị bệnh tâm thần Chlorpromozine (Thorazine): Giả -xơ gan mật nguyên phát; Thuốc kháng viêm; Corticosteroids(Prednisone), kháng sinhTetracycline: Gây gan thấm mỡ; Thuốc kháng sinh Erythromycin estolate và thuốc ức chế miễn dịch Cyclosporine A gây bệnh đường mật; Thuốc ngủ Diazepam (Valium): Viêm gan cấp và bệnh đường mật; Thuốc gây mê Halothan, giảm đau Salicylates(Aspirin): Viêm gan cấp và mãn; Thuốc điều trị cao huyết áp Methyldopa(Aldomet): Gây bệnh viêm gan tự miễn; Thuốc điều trị tiểu đường Rosiglitazone(Avandia): Gây suy gan; Thuốc chống lao như isoniazid, rifampicin, streptomycin, isoniazid (INH): Gây ngộ độc cho gan; Thuốc Nam, Bắc: Ngộ độc thuốc Nam, thuốc Bắc gây tổn thương gan nặng thậm chí suy gan cấp có thể dẫn đến tử vong; Thuốc tẩy giun: Gây viêm gan khi sử dụng liều cao, kéo dài.

Theo đó, việc ảnh hưởng đến gan được xác định thông qua các xét nghiệm đánh giá chức năng gan hoặc dấu hiệu lâm sàng suy giảm chức năng gan. Tổn thương gan do thuốc mặc dù rất hiếm gặp nhưng lại có nguy cơ dẫn đến tử vong. 

Tùy vào cơ chế tác động là do dị ứng hay dùng quá liều, dùng dài ngày mà các biểu hiện của tổn thương sẽ xuất hiện sau vài giờ, vài ngày hoặc vài tháng sau khi dùng thuốc. Nhiều trường hợp có thể tổn thương gan do thuốc không có triệu chứng điển hình nên khó nhận biết hoặc do xét nghiệm máu thấy có tăng men gan.

Với nhiều người đang điều trị các bệnh mãn tính phải sử dụng thuốc trong thời gian dài như điều trị lao, tiểu đường, trầm cảm… sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nổi mẩn…Sau đó, những triệu chứng rõ ràng của tổn thương gan có thể xuất hiện như là vàng da, nước tiểu sậm, khó thở, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…

Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc lâu ngày, nếu có biểu hiện tổn thương gan người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế, cần khai báo đầy đủ tiền sử bệnh, cơ địa dị ứng và quá trình sử dụng thuốc để bác sĩ kiểm tra và đánh giá mức độ tổn hại của gan để chỉ định điều trị phù hợp, an toàn.

Nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực của việc dùng thuốc lên sức khỏe thì trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, dùng đúng liều, đúng thuốc, đúng toa theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thêm hoặc bớt các loại thuốc. Ngoài ra, cần xây dựng chế độ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng và duy trì việc vận động hợp lý, tránh phụ thuộc quá vào thuốc.

Bên cạnh đó, để tránh việc phải "gánh" thêm tình trạng tăng men gan, viêm gan khi đang điều trị bệnh mạn tính, người bệnh có thể dùng thêm các sản phẩm hỗ trợ bảo vệ gan, đây là cách để tạo "lá chắn" giúp quá trình thải độc của gan không gặp trục trặc, ngăn chặn ảnh hưởng của các tác nhân có hại cho gan.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang