Nông sản ùn tắc ở cửa khẩu: Bao giờ hết điệp khúc buồn ‘biết rồi, khổ quá, nói mãi’?

author 13:09 05/03/2022

(VietQ.vn) - Câu chuyện ùn ứ hàng xuất khẩu, nhất là nông sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã thành thông lệ "đến hẹn lại lên”. Giải quyết tận gốc vấn đề này cần có giải pháp căn cơ.

Đây là chủ đề của buổi tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4/3/2022.

Tọa đàm: "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?".

Xuất khẩu nông sản- Không thể mãi đường mòn lối mở

Những năm gần đây, câu chuyện ùn ứ hàng xuất khẩu, nhất là nông, hải sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã thành thông lệ "đến hẹn lại lên", khiến cho điệp khúc buồn "biết rồi, khổ quá, nói mãi" của người nông dân "một nắng hai sương" cứ lặp lại như một vòng luẩn quẩn. Nhiều người còn ví von rằng đây là "căn bệnh cố hữu mà không thể có liều thuốc đặc trị".

Câu chuyện ùn tắc nông sản ở cửa khẩu đã trở thành mối quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều cuộc họp, cuộc làm việc để tìm giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 121/VPCP-QHQT ngày 13/01/2022 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất thành lập nhóm công tác về thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp để xử lý các vấn đề liên quan đến xuất khẩu nông sản.

Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 29/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết liệt chỉ đạo: Xuất khẩu nông sản là những vấn đề rất cơ bản, cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, xuất khẩu nông sản không thể "đường mòn lối mở" mãi. Cách đây 3-4 năm, cũng có tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu dù không nặng nề như thời điểm trước và sau Tết do dịch COVID-19. Lúc đó cũng nháo nhào tìm nguyên nhân, đặt ra câu hỏi: tại sao lại lệ thuộc 1 thị trường lớn, không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân, sao không tăng chế biến hàng hoá mà lại xuất khẩu thô, sao không chuẩn hoá chất lượng, làm ăn chính ngạch, sao không đầu tư phát triển logistics?...

Nhưng chúng ta "hay quên", khi ùn tắc tại cửa khẩu giải quyết xong thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp lâu dài.

Thực tế, nông dân làm ra sản phẩm cứ đưa lên cửa khẩu. Một số địa phương thông báo bà con không đưa hàng lên cửa khẩu là làm phần ngọn, không phải gốc. Cách làm kinh tế của chúng ta vẫn "mù mờ" đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu.

Cần giải pháp căn cơ

Ông Phan Văn Chinh- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trước đây đã có tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu, tuy nhiên, tình hình lần này có điểm khác, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID". Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.

Từ khi xảy ra vấn đề này, liên bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, những giải pháp này đều xuất phát từ thực tiễn. Từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này, Thủ tướng đã có điện đàm với phía bạn, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT liên tục điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu cần phải tìm nguyên nhân gốc rễ. Hiện nhiều doanh nghiệp chưa có tầm nhìn chiến lược, vẫn hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch.

Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp trở tay không kịp. Nhưng hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều.

Vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Hiện không rõ đã có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký được theo hai lệnh này, nếu không kịp đăng ký thì sau này mất nhiều thời gian- ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Khẳng định cần làm căn cơ hơn nữa về đánh giá tác động của Lệnh 248, Lệnh 249 từ phía Trung Quốc với các ngành hàng, bà Đoàn Thu Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, cần tăng cường truyền thông đến doanh nghiệp và người dân trực tiếp sản xuất về hai lệnh này một cách đầy đủ.

Hiện nay, xuất khẩu tiểu ngạch đang chiếm đến 90%, tỷ lệ chính ngạch chỉ có 10% doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu tiếp xúc với các đầu mối trung gian nên xuất khẩu chủ yếu không có hợp đồng. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình và kế hoạch căn cơ. Việc xây dựng lộ trình này là cấp bách- bà Đoàn Thu Hà khẳng định.

Thực tế cho thấy, giải bài toán ùn tắc nông sản tại cửa khẩu không hề đơn giản và cũng không phải ngày một ngày hai là xong. Bài toán này cần sự chung tay góp của của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, thương nhân và cả bà con nông dân.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay, tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường. Chúng ta cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro.

Việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn còn nhiều khó khăn như tập quán sản xuất, xuất khẩu, chất lượng hàng hoá, thói quen mua bán của cư dân biên giới... Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là thời điểm các bộ ngành, hiệp hội cùng ngồi lại để giải mã, đưa ra giải pháp và tiến độ theo yêu cầu Thủ tướng là chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.

Phải có tiến độ rõ ràng, hành động nhất quán từ cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và có sự tham gia của các Hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Thời gian gần đây, Bộ NN&PTNT đang có chương trình khuyến khích tăng cường mã định danh vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở chế biến. Trước đây, khi phát hiện thị trường chúng ta mới xây dựng vùng trồng vùng nuôi, giờ chúng ta chủ động làm trước.

Sau khi xuống giống 3 - 6 tháng, hình dung sản lượng thu hoạch là bao nhiêu, đưa thông tin đó lên Cổng thông tin dùng chung để các trung tâm, nhà phân phối trong và ngoài nước nhìn vào bảng đó, giống như bảng của thị trường chứng khoán. Thông số phải minh bạch, tích hợp từ các địa phương, có thời điểm rõ ràng cụ thể để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhìn vào đó mà chuẩn bị, ước lượng mình có thể tham gia vào thị trường này ở phân khúc nào, sản lượng là bao nhiêu để chủ động kết nối ngay từ đầu mùa vụ.

Dẫn dắt chủ động trước 1 - 2 tháng chứ không đợi hoa quả chất lên xe ở miền Tây, Tây Nguyên rồi mới loay hoay, thậm chí có những lúc chở hàng tới cửa khẩu chưa biết khi nào thông quan được, giống như cái chợ, lên đó mình cứ chở ra chợ, không bán được chợ sáng thì chợ chiều, cùng lắm là quay về.

Từ câu chuyện này, chúng ta phải mở rộng kết nối các đầu cung, các địa phương phía Bắc chủ động hơn nữa. Thời gian tới, chúng ta thay đổi dần dần, từ thị trường tiểu ngạch sang thị trường chính ngạch, từ xuất khẩu bằng đường bộ sang xuất khẩu bằng đường sắt, đường thủy, đường hàng không- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang