Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp lễ tết

author 06:55 11/02/2024

(VietQ.vn) - Dịp lễ tết là thời điểm các loại thực phẩm được tiêu thụ với số lượng lớn nhất trong năm dẫn tới tình trạng gia tăng các ca bệnh ngộ độc, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tình trạng ngộ độc thực phẩm thường rất dễ xảy ra trong các dịp lễ, tết do số lượng thực phẩm được tiêu thụ cao. Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể hồi phục sau vài ngày. Trong trường hợp bị nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời, do đó, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý những biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn. Đây là tình trạng bệnh lý gây ra bởi nhiễm khuẩn thức ăn hoặc độc chất do thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn.

Nhiễm khuẩn thức ăn do các loại vi khuẩn, virus,... tiềm ẩn trong thức ăn hoặc phát sinh trong quá trình bảo quản, chế biến thực phẩm không đúng cách. Nhiễm độc thức ăn do các loại độc chất sinh học, kim loại, chất bảo quản, chất phụ gia, methanol (trong rượu kém chất lượng)... nhiễm vào thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai vào bất kỳ thời điểm nào. Một số loại vi khuẩn không gây ôi thiu rõ rệt, bề ngoài thức ăn có vẻ vẫn an toàn nhưng thực chất đã chứa lượng lớn vi khuẩn hoặc độc tố nguy hại tới sức khỏe.

Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau khoảng vài phút, vài giờ hoặc từ 1 đến 2 ngày sau khi tiêu thụ thức ăn gây hại. Các triệu chứng này ở mức độ nặng hay nhẹ, kéo dài trong thời gian bao lâu còn tuỳ vào các yếu tố bao gồm: loại tác nhân gây ra, lượng thực phẩm được sử dụng và hệ miễn dịch của người bệnh.

Những triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp gồm: Đau bụng, tiêu chảy, chán ăn; Buồn nôn, nôn mửa; Trong phân hoặc chất nôn có xuất hiện máu; Bị sốt; Cơ thể yếu ớt, mệt mỏi; Đau đầu, choáng váng, chóng mặt; Ớn lạnh, rùng mình; Đau khớp và cơ.

Đặc biệt, nếu ngộ độc thực phẩm đã ở tình trạng nặng, người bệnh còn có thể có những biểu hiện như: Cảm thấy khát nước nhiều; Môi bị khô, mắt trũng, da nhăn nheo; Mạch đập nhanh, giọng nói yếu ớt; Tay chân lạnh; Liên tục bị nôn ói; Sốt cao kéo dài.

Khi nhận thấy các triệu chứng ngộ độc thực phẩm báo hiệu tình trạng nặng này, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Một số triệu chứng cơ bản khi bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa

Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong ngày lễ, tết

Lựa chọn thực phẩm an toàn, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng

Trong dịp lễ tết, nhiều người thường có thói quen mua sắm, tích trữ quá nhiều thực phẩm để sử dụng trong thời gian dài. Nếu không được bảo quản tốt, những thực phẩm này có nguy cơ bị biến chất, gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, chuyên gia lưu ý chỉ nên mua vừa đủ dùng trong dịp lễ tết. Bên cạnh đó nên lựa chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, thực phẩm giữ được màu tự nhiên, không có màu sắc, mùi vị lạ, có dấu hiệu ôi thiu hoặc bị mốc.

Đặc biệt, người tiêu dùng khi mua hàng nên chọn những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, quầy bán đảm bảo vệ sinh, nơi sản xuất được cấp phép, công bố đầy đủ thông tin thành phần sản phẩm.

Đối với rau, củ, quả nên lựa chọn loại còn tươi, nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu lạ hoặc tơ nấm mốc.

Đối với thịt gia súc, gia cầm nên chọn loại có màu sắc tự nhiên đúng với loại thịt, tránh chọn thịt có màu hơi tái, xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, màng ngoài nhớt dù chỉ 1 phần nhỏ. Tránh các loại thịt có mùi lạ, ôi thiu hoặc mùi thuốc kháng sinh.

Đối với cá, thủy hải sản nên chọn loại tươi sống hoặc loại được bảo quản đông đá, hút chân không. Chọn cá mắt trong, thịt cá chắc có độ đàn hồi, vảy óng ánh, không màng nhớt, không mùi ươn hôi.

Đối với thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp chọn loại bao bì không biến dạng, hạn sử dụng dài ngày. Độc tố Botulism trong các loại thực phẩm đóng hộp có độc tính rất mạnh, diễn tiến nhanh và nguy hiểm.

Một số loại thực phẩm có độc tính sẵn như cá nóc, cóc, khoai mì, khoai tây mọc mầm, đậu phộng/lạc mọc mầm,... Các loại thực phẩm giàu đạm và chất béo dễ bị biến chất, ôi, hỏng.

Cần rửa sạch trước khi nấu

Cần rửa kỹ bằng nước sạch các loại thực phẩm trước khi chế biến. Rửa tay trước và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác trong suốt quá trình chuẩn bị và chế biến thực phẩm. Nếu có vết thương ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương.

Rửa và làm sạch tất cả vật dụng tiếp xúc với thực phẩm như rổ, giá, bàn bếp, dao, thớt, nồi, chảo... Giữ cho bếp không có động vật gây hại, côn trùng hay thú nuôi. Che đậy thực phẩm cẩn thận.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Bảo quản thực phẩm cần để riêng các loại thịt, hải sản sống - chín để tránh lây nhiễm chéo, nên chia thành các hộp đủ khẩu phần ăn của gia đình. Vì vậy cần dùng riêng dụng cụ dao, thớt thực phẩm sống - chín. Dùng riêng hộp chứa và ngăn chứa các loại thực phẩm.

Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng (15°C-20°C) trên 2 giờ nên ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín. Bởi mùa Xuân tiết trời ấm và ẩm hơn, tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh.

Nhiệt độ tủ lạnh dưới 5 độ C là tốt nhất để bảo quản thực phẩm ở ngăn mát hoặc giữ nóng liên tục trên 60°C để ngăn vi khuẩn phát triển. Không giữ thực phẩm quá lâu, kể cả trong tủ lạnh. Không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng. Không cấp đông lại thực phẩm đã rã đông.

Chế biến thực phẩm chín kỹ và vệ sinh đúng cách

Thực phẩm cần nấu chín, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng và hải sản để giết chết vi sinh vật. Các loại nước canh, nước dùng phải đạt trên 70°C.

Chú ý cần loại bỏ các sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn, nhiễm độc như nấm mốc xanh/đen/vàng/trắng, gạo có mọt, thức ăn có sự thay đổi về màu sắc. Cần dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, khu vực bếp, tủ trữ đồ khô, tủ lạnh thường xuyên. Thường xuyên kiểm tra các loại thực phẩm được cất ở sâu hoặc ít khi sử dụng.

Ngoài ra cần đảm bảo về nguồn nước sạch, đã qua xử lý. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

Thông thường, triệu chứng ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài giờ hoặc trong vòng 1-2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Ngộ độc thực phẩm thể nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần. Do vậy, mỗi người cần tự trang bị kiến thức cần thiết để phòng ngừa bệnh lây qua thực phẩm và cách xử lý khi bản thân hoặc người nhà bị ngộ độc thực phẩm.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang