Phụ nữ Thái Nguyên: Đoàn kết, sáng tạo phát triển kinh tế hiệu quả trong thời kỳ hội nhập

author 11:00 17/09/2021

(VietQ.vn) - Những tấm gương sáng trong phong trào khởi nghiệp của Hội viên Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên như những bông hoa đẹp là điểm nhấn, thành quả ấn tượng của nhiệm kì 2016 - 2021. Đây sẽ là bàn đạp, là những nhân tố điển hình để nhiệm kì mới thúc đẩy Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên phát triển không ngừng và hội nhập.

Có một Hội Nữ doanh nhân hoạt động hiệu quả, sáng tạo

Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên là một tổ chức xã hội tự nguyện, là nơi tập hợp nữ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp trong tỉnh, có chung một chí hướng, đó là vì sự phát triển của doanh nghiệp, nữ doanh nhân và góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. 

Trong những năm qua, Hội Nữ doanh nhân đã phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động phát triển kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nữ cũng như phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh nâng cao trình độ, kiến thức khoa học công nghệ để đáp ứng với xu thế phát triển của thời đại 4.0, trang bị những kiến thức cần thiết trong hội nhập phát triển kinh tế tiếp cận với các ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo.

Hội Nữ doanh nhân cũng phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng doanh nhân nữ (VWEC) tổ chức nhiều khóa hội thảo, tập huấn dưới các hình thức như trực tuyến, trực tiếp để hỗ trợ cho hội viên của Hội những kiến thức về Công nghệ 4.0; Truyền thông tiếp thị sản phẩm thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...); Quy tắc kiểm soát nội bộ và ứng xử trong doanh nghiệp.

Thông qua đó, các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ có thể linh hoạt hơn trong việc quảng bá sản phẩm, kinh doanh online, quản lý tốt hơn doanh nghiệp của mình. Đặc biệt, các khóa học về Quản lý tài chính trong doanh nghiệp gia đình; Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ; Kỹ năng quản lý sự thay đổi và Xây dựng hệ thống marketing thông minh; Giải pháp vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển bền vững…đã giúp cho các nữ doanh nhân có nền tảng kiến thức vững vàng để ứng phó với biến đổi do nguyên nhân khách quan gây ra như thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế…

Phụ nữ Thái Nguyên luôn không ngừng khởi nghiệp và thoát nghèo.

 Phụ nữ Thái Nguyên luôn không ngừng khởi nghiệp và thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực hỗ trợ nữ doanh nhân trong hoạt động xúc tiến thương mại, giúp nữ doanh nhân có cơ hội tiếp cận với khách hàng, giới thiệu sản phẩm và tìm được các đối tác trong giao thương hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất, cung ứng. Hội cũng cử hội viên tham dự nhiều chương trình xúc tiến thương mại do Trung ương và các tỉnh tổ chức, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp mang các sản phẩm của mình đi trưng bày tại các Hội nghị trong và ngoài tỉnh.

Hội đã đưa ra dự án có tên là Eco Valay để đề xuất với tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác sang châu Âu để học tập kinh nghiệm mô hình. Nếu dự án được thực hiện, sẽ là nơi thu hút sự đầu tư nguồn nhân lực, tài chính trong nước và quốc tế, mang lại nhiều lợi ích cho Hội.

Cùng với việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh doanh, Hội còn quan tâm đến hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bằng việc phối hợp với trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) tổ chức các chương trình Hội thảo cho sinh viên, cử các nữ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn đến chia sẻ kiến thức, đồng thời tạo điều kiện cho các sinh viên tham quan, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.

Những tấm gương điển hình về thoát nghèo, khởi nghiệp thành công

Nhắc đến những tấm gương phụ nữ Thái Nguyên khởi nghiệp thành công không thể không nhắc đến chị Đàm Thị Quy - Hội viên phụ nữ xóm Non Tranh, xã Tân Thành, huyện Phú Bình.

Là phụ nữ xuất thân từ gia đình thuần nông, với ý chí vươn lên thoát nghèo, chị Quy đã mạnh dạn bàn với gia đình thực hiện mô hình nuôi gà mái đẻ và làm lò ấp nở gia cầm để phục vụ cung cấp con giống cho bà con tại địa phương. Ban đầu thực hiện, gia đình chị Quy cũng gặp không ít khó khăn, song cùng với kinh nghiệm được tích lũy dần, mô hình trên đã ngày càng phát triển, không những cung cấp giống gia cầm cho nhân dân trong xã, trong huyện mà còn đưa ra thị trường các tỉnh lân cận. Nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo được công ăn việc làm cho chị em phụ nữ trong xã.

Năm 2012, gia đình chị Quy có trang trại nuôi 4.000 gà đẻ trứng và xây dựng 01 lò ấp trứng với số lượng 5.000 con/lần, 03 ngày ra lò ấp một lần. Đến năm 2013, gia đình chị Quy tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất và thành lập Công ty TNHH giống gia cầm Vạn Phúc.

Từ năm 2018 đến nay, gia đình chị Quy mở rộng thêm 4 trang trại diện tích 32 nghìn m2 nuôi khoảng 1 vạn gà hậu bi và 2 vạn gà mái đẻ tự ấp nở, một ngày giao cho khách hàng khoảng 2 vạn con gà giống. Tổng thu nhập bình quân 1 năm khoảng 1,5 tỉ đồng. Lượng gia cầm cung cấp ra thị trường luôn đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay. Tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng và có 2 lao động quản lý thu nhập 12 trệu đồng/tháng.

Đến nay, mô hình giống gia cầm của gia đình chị Quy không những được bà con nhân dân trong huyện biết đến mà còn giới thiệu đến nhiều địa phương, cung cấp con giống hiệu quả giúp bà con nhân dân nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi. Góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Chị Đàm Thị Quy vinh đã dự được TW Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020.

mô hình trang trại ấp nở gia cầm hộ chị Đàm Thị Quy xóm Non Tranh, xã Tân Thành

 Trang trại ấp nở gia cầm của chị Đàm Thị Quy.

Một điển hình thoát nghèo khác là chị Nguyễn Thị Vân - hiện là Chi hội trưởng phụ nữ xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thái Minh. Từ 2 bàn tay trắng, chị đã bàn với chồng phải vươn lên làm giàu từ chính cây chè của quê hương. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng mô hình, chị nhận thấy bà con nhân dân tại địa phương làm nghề chè chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp không có sự liên kết.

Chính vì vậy sản phẩm chè khi được bán ra thị trường không được giá cao, do các thương lái ép giá. Vậy nên chị đã trăn trở, suy nghĩ làm thế nào giúp hội viên của mình và bà con địa phương khi sản xuất ra những sản phẩm chè đảm bảo an toàn mang lại kinh tế cao, giá thành hợp lý.

Chị đã thành lập nhóm “Hội những người yêu thích cây chè” và đề xuất với Hội LHPN xã để giúp các chị em trong nhóm và các hộ trồng chè ở địa phương được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về chế biến và chăm sóc chè; giúp chị em được hiểu được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất mang lại năng suất chất lượng tốt và an toàn trên cây chè để các chị em hội viên cùng hiểu và vận dụng vào thực tế gia đình mình. Để làm sao đưa những sản phẩm chè ngon, an toàn ra thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao.

Chị cũng chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua truyền thông báo chí, mạng xã hội... và mang sản phẩm chè của mình đi tham gia trưng bày giới thiệu tại các "Phiên chợ nông sản an toàn" do Hội LHPN tỉnh tổ chức và trưng bày sản phẩm mỗi dịp diễn ra các ngày lễ lớn tại tỉnh, huyện... cùng với sự nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sau thời gian hoạt động hiệu quả, được Hội LHPN các cấp giới thiệu, giúp đỡ, hướng dẫn thủ tục đăng ký, năm 2020 chị đã thành lập Hợp tác xã Thái Minh gồm 8 thành viên và chị làm giám đốc với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Lấy thế mạnh là chè và chuyên sản xuất trà hoa các loại, Hợp tác xã Thái Minh đã tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm người dân tại địa phương. Thu nhập bình quân mỗi người dân từ 8.000.000đ- 10.000.000đ/ tháng. Doanh thu của HTX đạt được là 10 tỷ/năm.

Hiện nay, HTX Thái Minh đã tham gia liên kết chuỗi giá trị, hướng dẫn cho hơn 80 hộ dân, với trên 20ha chè được trồng và sản xuất theo hướng VietGap, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến chè an toàn; đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Năm 2020 HTX Thái Minh đã vinh dự được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận 2 sản phẩm Ocop 4 sao là: Trà đinh ướp hoa Mộc và Trà Hán Văn. Các sản phẩm này năm 2021 còn được Phòng điều phối nông thôn mới Trung ương chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2018 – 2020.

Không những cung cấp sản phẩm chè các loại, HTX Thái Minh còn xây dựng những bộ sản phẩm chè, trà có mẫu mã đẹp cùng với việc xây dựng thương hiệu để hướng tới phát triển thị trường quốc tế. Doanh thu hiện tại của HTX Thái Minh đạt khoảng 25 tỷ đồng/năm. Với những nỗ lực cố gắng, chị Nguyễn Thị Vân và HTX Thái Minh đã được tặng nhiều bằng khen, các danh hiệu chứng nhận.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang