PTT Vương Đình Huệ: Hợp tác xã là nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể

author 06:58 15/10/2019

(VietQ.vn) - “Trong kinh tế tập thể Trung ương xác định hợp tác xã là nòng cốt”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và cho rằng cần “đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài”.

Nhắc tới kinh tế tập thể (KTTT), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh có nhiều loại hình, trong đó có tổ hợp tác, kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) và Liên minh HTX. Lĩnh vực hoạt động cũng rất phong phú, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

"Đại hội 6 đã nêu, phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Trong đó kinh tế tập thể thì Trung ương xác định HTX là nòng cốt", Phó thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng, mục tiêu là đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Sau đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và tiến tới ngày càng có tỷ trọng lớn trong tổng GDP của nền kinh tế.

 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh minh họa

Khu vực kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài

Về mặt phát triển số lượng các HTX tăng lên. Theo Phó thủ tướng, đến nay, khu vực kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Bằng chứng có số lượng HTX phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Có 57% số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ này ở phi nông nghiệp là 50-80%, tuỳ theo từng lĩnh vực.

Tuy nhiên, mục tiêu tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể trong GDP chưa đạt hiệu quả. Nếu như năm 2003, tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể trong GDP là 7,49%, hiện nay chỉ còn 4% GDP.

Vì sao xảy ra trường hợp này? Phó thủ tướng đặt câu hỏi và cho biết đó là tỷ trọng ở các khu vực khác như công nghiệp chế biến chế tạo, các ứng dụng dịch vụ tăng. Trong báo cáo nêu rõ, hiệu quả tăng trưởng GDP trong khu vục HTX chỉ bằng 50% các khu vực khác của nền kinh tế.

Hai vấn đề này là nguyên nhân quan trọng làm cho tổng GDP của nền kinh tế tập thể ngày càng đi xuống.

Theo Phó thủ tướng, cần có giải pháp tăng cường thống nhất nhận thức trong phát triển kinh tế tập thể. Sự quan tâm của các bộ ngành chưa nhiều, quan tâm chưa đồng đều.

“Cứ nói đến hợp tác là chỉ nghĩ đến nông nghiệp mà không quan tâm đến phi nông nghiệp, nói đến hợp tác chỉ nghĩ đến HTX và Liên minh HTX mà không quan tâm đến tổ hợp tác. Hiện nay, chúng ta có hàng trăm nghìn tổ hợp tác. Như vậy là nhận thức chưa đầy đủ”, Phó thủ tướng nói.

Luật HTX 2012 đã mở ra hướng rất rõ, cho phép thành lập DN trong HTX. Nhận thức thế nào là HTX là doanh nghiệp cũng chưa đầy đủ, nhận thức HTX kiểu mới, kiểu cũ chưa biết. Nhiều nơi vẫn ám ảnh mô hình HTX kiểu cũ. Đây là tổ chức tự nguyện, có nơi áp đặt hành chính cũng không thành công.

Nhiều HTX nông nghiệp ở tình trạng giải thể nhưng không thể giải thể

Hai là vấn đề xử lý vướng mắc như hiện nay, như nhiều trường hợp HTX nông nghiệp đã ở tình trạng giải thể, phá sản nhưng không thể giải thể được. Lý do là vì những khoản nợ, trong khi về nguyên tắc còn nợ thì không còn chỗ cho các hợp tác xã khác. Do đó cần có cơ chế chính sách thích đáng xử lý tồn đọng để chuyển giao. Như trường hợp những HTX nông thôn chuyển giao lưới điện cho ngành điện nhưng chưa chuyển đổi được vì vướng mắc tài chính.

Ba là vấn đề chính sách, dù có nhiều chính sách nhưng tại sao không đi vào thực tế. Theo đó, chính sách cần tiệm cận theo nguyên tắc thị trường, tránh Nhà nước buông lỏng nhưng cũng tránh xu hướng chờ đợi Nhà nước mà không có chủ động, tự lực vươn lên, không đúng định hướng thị trường thì không thể thành công. Phải có tính chất thị trường, tách bạch thế nào là chính sách thương mại, chính sách tài khoá, như Quảng Ninh chỉ hỗ trợ 6% thôi thì đó là trách nhiệm của địa phương.

“Về đất đai thì phải tích tụ ruộng đất, khoa học công nghệ. Nhưng làm sao để HTX có đất làm trụ sở, kho bãi, xây dựng tài sản lớn như vậy dùng quyền để thế chấp, đi vay ngân hàng”, ông Huệ nói.

Phó thủ tướng lấy ví dụ về việc trực tiếp lên Hoà Bình, phải can thiệp để tỉnh giao đất cho HTX này với vài nghìn m2 đất để phân loại, sơ chế, rồi trực tiếp xử lý đất để HTX có trụ sở. Hoặc vào Lâm Đồng có anh chủ nhiệm đi xe, điện thoại sang, một ha làm ra hàng tỉ đồng, nhưng lại phải lấy nhà riêng làm trụ sở. Vậy, chính sách này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu sửa như thế nào?

Vấn đề thuế, không cần cao chỉ bằng doanh nghiệp siêu nhỏ thôi. Chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trình độ sơ cấp chỉ hơn 40%, còn lại 60% cán bộ chưa được đào tạo. Liên minh có hệ thống trường lớp đào tạo, đưa hệ thống trí thức trẻ, thì tới đây sẽ giao cho Liên minh làm việc này. Bởi làm hợp tác xã mà không biết đọc cân đối kế toán, thuế má, lời lãi thì không thể hoạt động hiệu quả được.

Cần có sự chuyển giao công nghệ tại HTX. Ảnh minh họa 

Cần chuyển giao công nghệ, thương mại... ở khu vực nông thôn

Gắn với đó là chính sách chuyển giao công nghệ, thương mại và mở rộng thị trường, kéo các doanh nghiệp về khu vực nông thôn. Kinh nghiệm là có doanh nghiệp chống lưng, gắn với hợp tác xã thì mới phát triển được, hợp tác xã cũng cần doanh nghiệp làm đầu ra, HTX cũng cần doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị.

Bốn là tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng hiện chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm nhiệm. Tới đây cần phải có đầu mối chuyên trách, chịu trách nhiệm về vấn đề này, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan nhà nước thực hiện. Gắn với đó địa phương phải củng cố tăng cường quản lý nhà nước.

Ngoài ra là các vấn đề như chế độ thông tin, báo cáo, xây dựng chương trình phát triển kinh tế xã hội, các mô hình điểm, nhân rộng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chính sách thu hút hỗ trợ đầu tư, tăng cường vai trò lãnh đạo các đơn vị, mặt trận vào phát triển HTX.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang