Quảng Bình: Phát hiện 2 tàu cá chở 7000 lít dầu Diesel không rõ nguồn gốc

author 06:13 16/07/2022

(VietQ.vn) - Công an huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) vừa bắt giữ hai tàu cá chở 7000 lít dầu không rõ nguồn gốc ở vùng biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.

Nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với việc buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển xăng dầu trái phép trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Công an huyện Quảng Trạch đã triển khai nhiều mũi lực lượng.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, phát hiện có tàu nghi vấn, lực lượng của Công an huyện Quảng Trạch chủ trì phối hợp Đội kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình, Đội quản lý thị trường số 3 và Đồn biên phòng Roòn tiến hành khám xét 2 tàu cá có số hiệu QB33155 và QB33362 do Lê Trung Hiếu (SN 1990), trú thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch làm chủ sở hữu.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra chất lượng xăng dầu 

Qua kiểm tra, Tổ công tác đã phát hiện trong khoang 2 tàu cá có 33 thùng đựng dầu Diesel, ước tính khoảng 7.000 lít dầu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ tàu Lê Trung Hiếu đã không xuất trình được giấy phép kinh doanh xăng dầu và không có các hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định Số: 99/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và dầu khí.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh khí có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất.

Ngoài hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất xăng dầu, nguyên liệu sản xuất xăng dầu, khí; Buộc thu hồi chai LPG, LPG chai hoặc LPG chai mini không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Buộc thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế các chai LPG, thiết bị phụ trợ dùng khí không bảo đảm an toàn cho khách hàng sử dụng; Buộc trả lại chai LPG cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5689: 2013 về nhiên liệu Diezen (DO)
Tiêu chuẩn này quy định các chỉ tiêu chất lượng đối với nhiên liệu điêzen, dùng làm nhiên liệu cho động cơ điêzen của xe cơ giới. Theo đó các loại phụ gia sử dụng để pha nhiên liệu điêzen phải đảm bảo phù hợp với các quy định về an toàn, sức khỏe môi trường và không được gây hư hỏng cho động cơ và hệ thống tồn trữ, vận chuyển và phân phối nhiên liệu.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang