Quảng cáo mỹ phẩm Dr.Lavic như thuốc chữa bệnh, AMITA GROUP có đang lừa dối người dùng?

author 14:19 12/06/2024

(VietQ.vn) - Sản phẩm mỹ phẩm Dr.Lavic của Công ty Cổ phần AMITA GROUP quảng cáo với nhiều thông tin sai sự thật về công dụng, chất lượng, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Nhức nhối tình trạng quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm

Thời gian qua, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, không ít doanh nghiệp đã tung những quảng cáo sai sự thật về sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng... Tình trạng quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng cả vật chất cũng như sức khỏe, tinh thần.

Bởi khi tiếp cận thông tin quảng cáo sai sự thật, người mua sẵn sàng chi ra khoản tiền lớn để có được sản phẩm. Sau khi sử dụng, người tiêu dùng mới biết về những điều mà quảng cáo đề cập bởi chất lượng thực tế không giống như quảng cáo, thậm chí có nhiều sản phẩm ở mức độ kém, gây nguy hại. Không những thế, tình trạng quảng cáo sai sự thật còn vi phạm đạo đức kinh doanh, làm rối loạn thị trường mua bán, trao đổi hàng hóa.

Trên thực tế, mặc dù Luật Quảng cáo cùng các văn bản liên quan đã được ban hành nhưng dường như chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Một nguyên nhân quan trọng là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông dẫn đến khó kiểm soát hoạt động quảng cáo. Đồng thời, người kinh doanh, chủ doanh nghiệp với tâm lý "một vốn bốn lời" đã bất chấp thủ đoạn để thổi phồng công dụng, chất lượng, cung cấp thông tin sai sự thật về hàng hóa để đạt được tham vọng lợi nhuận, doanh thu, khiến người mua không tỉnh táo và nhanh chóng đưa ra những quyết định về việc mua sản phẩm.

Trụ sở Công ty Cổ phần AMITA GROUP tại BT01-4 khu HY dự án Hoàng Thành Villas, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.

Riêng về sản phẩm mỹ phẩm, Thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm định nghĩa: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo tính năng sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

 Một bộ sản phẩm Dr.Lavic.

AMITA GROUP quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm với thuốc chữa bệnh

Mặc dù quy định về quảng cáo mỹ phẩm đã có thế nhưng trên trang Facebook Dr.Lavic Viet Nam và một số trang mạng xã hội, các sản phẩm mỹ phẩm Dr.Lavic đang được quảng cáo rầm rộ với nhiều thông tin gây nhầm lẫn rằng đây là một sản phẩm thuốc có khả năng "điều trị mụn", "kháng viêm", "kháng khuẩn".

Theo tìm hiểu của phóng viên, thương hiệu mỹ phẩm Dr.Lavic thuộc Công ty Cổ phần AMITA GROUP (địa chỉ tại căn BT01-4 khu HY dự án Hoàng Thành Villas, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội). Bà Lê Hoài Thuỷ là người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành công ty này.

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh về việc Công ty Cổ phần Amita Group quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm sai quy định, vượt quá công dụng, chất lượng được cơ quan y tế cấp phép.

Cụ thể, trên trang Facebook “Dr.Lavic Viet Nam” (thuộc sở hữu của AMITA GROUP), sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Dr.Lavic đang được quảng cáo có khả năng “điều trị mụn”, “trị hôi nách”. Trên một số trang cá nhân của đại lý, sản phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu Dr.Lavic còn được quảng cáo có khả năng “điều trị & ngăn ngừa viêm tuyến bã, kháng khuẩn, giảm sưng viêm do mụn, đẩy mụn và điều trị mụn viêm”…

Việc các sản phẩm nêu trên được gắn thêm từ ngữ như “điều trị”, “kháng viêm” và “kháng khuẩn” dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm đây là sản phẩm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, những sản phẩm này đều là mỹ phẩm dùng ngoài da, không có công dụng “điều trị” như quảng cáo.

 Dù không phải thuốc, sản phẩm mỹ phẩm Dr.Lavic vẫn được quảng cáo có khả năng "trị mụn thần tốc".

 

Tài khoản Facebook một đại lý thậm chí còn quảng cáo Dr.Lavic có khả năng điều trị mụn viêm, điều trị và ngăn ngừa viêm tuyến bã.

Có thể thấy, mặc dù chỉ là mỹ phẩm nhưng sản phẩm nêu trên lại được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, sai quy định pháp luật. Câu hỏi đặt ra là các sản phẩm mỹ phẩm trên đã được cấp phép trước khi đưa ra thị trường hay chưa? Tại sao tổ chức kinh doanh lại quảng cáo mỹ phẩm giống thuốc chữa bệnh? Nếu chất lượng sản phẩm không như quảng cáo, người tiêu dùng có được đền bù hay bồi thường?

Để có thông tin khách quan về sự việc, phóng viên đã liên hệ làm việc với Công ty Cổ phần AMITA GROUP. Nhân viên công ty tiếp nhận phản ánh của phóng viên và cho biết sẽ báo cáo lại với lãnh đạo để phản hồi báo chí. Tuy nhiên, đã qua nhiều ngày, toà soạn vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Công ty Cổ phần AMITA GROUP.

Theo quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn, quảng cáo mỹ phẩm là hình thức quảng cáo bắt buộc phải xin giấy phép cho nội dung quảng cáo. Doanh nghiệp chỉ được phép quảng cáo cho sản phẩm mỹ phẩm khi được cơ quan cấp phép cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm. Tuy nhiên, hiện tại chưa rõ Công ty Cổ phần AMITA GROUP đã có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm hay chưa?

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tòa soạn đề nghị Thanh tra Sở Y tế TP.Hà Nội, Cục Quản lý thị trường TP vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có).

Theo Cục Quản lý Dược, tiêu chí để phân loại sản phẩm mỹ phẩm căn cứ vào tính năng, mục đích sử dụng, thành phần công thức sản phẩm và định nghĩa về mỹ phẩm. Việc công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (nêu ở phần mục đích sử dụng cũng như tên sản phẩm) phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP kèm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế) và văn bản liên quan hướng dẫn phân loại sản phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm để đảm bảo các sản phẩm mỹ phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố không vượt quá tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm là thuốc.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các Sở Y tế tiếp tục rà soát việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, kiểm tra lại toàn bộ nội dung trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Sở Y tế cấp số tiếp nhận thời gian qua; Cập nhật thường xuyên danh mục các chất sử dụng trong mỹ phẩm, phổ biến đến các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng sản phẩm mỹ phẩm theo quy định;

Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành; Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang