Quảng cáo sai sự thật về 'chứng nhận chất lượng', ghế massage Queen Crown có tốt?

author 15:30 04/04/2024

(VietQ.vn) - Những quảng cáo sai sự thật khiến người dùng hoài nghi sản phẩm ghế massage Queen Crown của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Xuất nhập khẩu Tập đoàn Minh Đức liệu có tốt như quảng cáo?

Thời gian qua, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, không ít doanh nghiệp đã tung những quảng cáo “sai sự thật” về sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng... Tình trạng quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng cả vật chất cũng như sức khỏe, tinh thần.

Bởi khi tiếp cận thông tin quảng cáo sai sự thật, người mua sẵn sàng chi ra khoản tiền lớn để có được sản phẩm. Sau khi sử dụng, người tiêu dùng mới "tá hỏa" bởi chất lượng thực tế không giống như quảng cáo, thậm chí còn có nhiều sản phẩm ở mức độ kém, gây nguy hại. Không những thế, tình trạng quảng cáo sai sự thật còn vi phạm đạo đức kinh doanh, làm rối loạn thị trường mua bán, trao đổi hàng hóa.

Trên thực tế, mặc dù Luật Quảng cáo cùng các văn bản liên quan đã được ban hành nhưng dường như chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Một nguyên nhân quan trọng là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông dẫn đến khó kiểm soát hoạt động về quảng cáo. Đồng thời, người kinh doanh, chủ doanh nghiệp với tâm lý "một vốn bốn lời" đã bất chấp chiêu trò để thổi phồng công dụng, chất lượng, cung cấp thông tin sai sự thật về hàng hóa để đạt được tham vọng lợi nhuận, doanh thu, khiến người mua không tỉnh táo và nhanh chóng đưa ra những quyết định về việc mua sản phẩm.

Hình ảnh dấu hợp quy của Quatest 1 được sử dụng để quảng cáo cho ghế massage Queen Crown, tuy nhiên, Quatest 1 không cấp chứng nhận hợp quy cho sản phẩm ghế massage này.

Thời gian qua, thông qua đường dây nóng, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh về việc Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Xuất nhập khẩu Tập đoàn Minh Đức quảng cáo sai sự thật về chất lượng các sản phẩm ghế massage do công ty phân phối, sử dụng dấu hợp quy (dấu CR) sai quy định.

Theo phản ánh, Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Xuất nhập khẩu Tập đoàn Minh Đức đang quảng cáo rộng rãi các sản phẩm ghế massage mang thương hiệu Queen Crown trên các phương tiện mạng xã hội và internet. Các sản phẩm được giới thiệu “có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, tem mác và giấy chứng nhận chất lượng để khách hàng có thể an tâm tuyệt đối khi sử dụng. Với các linh kiện yêu cầu độ chính xác cao đều được nhập khẩu từ hãng và tiến hành lắp ráp tại Việt Nam nên sẽ đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất theo đúng cam kết. Các sản phẩm này đều được chứng nhận đạt chuẩn chất lượng ISO 9001:2015, ISO 1401:2015, TCVN 5699-1 và TCVN 5699-2-32...”.

Kèm theo đoạn nội dung này là hình ảnh logo chứng nhận ISO 9001:2015, ISO 1401:2015, logo dấu hợp quy (dấu CR) của Quatest 1 (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng). Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, hiện nay, Quatest 1 không cấp bất kỳ giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm nào của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Xuất nhập khẩu Tập đoàn Minh Đức. Do đó, việc sử dụng dấu hợp quy (dấu CR) là không đúng thực tế.

Dấu hợp quy (dấu CR) không được cấp cho sản phẩm ghế massage Queen Crown, vậy vì sao  Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Xuất nhập khẩu Tập đoàn Minh Đức lại sử dụng dấu này để quảng cáo?

Thêm vào đó, hiện nay, trên website của công ty cũng đang quảng cáo hình ảnh logo chứng nhận ISO được cấp bởi Công ty Cổ phần chứng nhận Quốc tế (ICB). Tuy nhiên, đại diện ICB cho biết, chứng nhận ISO 9001:2015, ISO 1401:2015 được cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Xuất nhập khẩu Tập đoàn Minh Đức đều đã hết hạn.

Việc sản phẩm của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Xuất nhập khẩu Tập đoàn Minh Đức quảng cáo với thông tin sai sự thật làm dấy lên lo ngại về chất lượng sản phẩm. Bởi trên thực tế, người tiêu dùng không thể biết rõ liệu các sản phẩm có đúng là được cấp hợp quy hay không, theo quy chuẩn nào? Việc công ty quảng cáo chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO khi các chứng nhận này đã hết hạn liệu có hợp lý?

Trong khi đó, tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo nghiêm cấm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 cũng quy định rõ hành vi bị cấm bao gồm: Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 6 Điều 8); Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 7 Điều 8); Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa (Khoản 9 Điều 8).

Đối với vấn đề trên, dư luận không khỏi thắc mắc về việc liệu các sản phẩm của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Xuất nhập khẩu Tập đoàn Minh Đức đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận chất lượng hay chưa? Vì sao công ty sử dụng dấu hợp quy (CR) do Quatest 1 cấp để quảng cáo trong khi Quatest 1 không cấp cho công ty? Việc quảng cáo với thông tin sai sự thật là vô ý hay cố tình? Nếu người dùng vì tin vào quảng cáo sai sự thật mà mua phải ghế massage kém chất lượng, công ty có bồi thường?

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với sự việc nêu trên.

Khoản 1 Điều 24 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá quy định rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

Khoản 1 Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang