Quyết liệt chặn thực phẩm 'bẩn' dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

author 06:21 18/01/2022

(VietQ.vn) - Các cơ quan chức năng cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, ngăn chặn thực phẩm không an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thực phẩm bẩn vẫn len lỏi trên thị trường

Cứ đến cuối năm, thông tin về việc phát hiện và xử lý các thực phẩm “bẩn” liên tục xuất hiện khiến người tiêu dùng bất an. Đại diện Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn) cho biết, cơ quan này vừa thành lập Hội đồng xử lý tang vật là 14 tấn lưỡi bò không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, gây hại cho sức khỏe con người.

Tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và thu giữ hàng ngàn thùng bánh kẹo, thực phẩm dinh dưỡng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ cơ sở khai nhận, hàng hóa được thu mua trôi nổi từ các tỉnh biên giới phía Bắc, sau đó tập kết tại Hà Nội để phân phối ra thị trường. Dù biết là hàng không rõ nguồn gốc, nhưng vì lợi nhuận, chủ hàng vẫn quyết định nhập về số lượng lớn để bán kiếm lời.

Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP. Hà Nội) cho hay, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 2,8 tấn thực phẩm đông lạnh (gồm các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà) không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ tại làng Kim 1 (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Trong quá trình ra quân thời điểm cuối năm, cơ quan chức năng của Hà Nội cũng phát hiện một xe tải trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tổ chức khám xét, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 10 tấn nội tạng động vật, cánh gà, lườn ngỗng hun khói, râu bạch tuộc... đựng trong các thùng xốp và bao tải dứa màu xanh, phần lớn đều có nhãn mác, bao bì nước ngoài. Trong đó, mặt hàng nầm lợn có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã bốc mùi ôi thiu và hôi thối.

Tại vụ việc trên, lái xe không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các loại thực phẩm được vận chuyển trên xe. Phần lớn hàng hóa được các đối tượng thu gom từ nhiều nguồn khác nhau trên biên giới các tỉnh phía Bắc, sau đó thuê phương tiện để vận chuyển về nội địa.

Cán bộ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM lấy mẫu thực phẩm tại chợ An Đông, quận 5 để kiểm tra các chất tồn dư. Ảnh: báo Hà nội mới

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, để kinh doanh thực phẩm “bẩn”, các đối tượng vi phạm dùng mọi thủ đoạn như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng Internet. Những thủ đoạn này đang gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Còn theo đại diện Công an TP. Hà Nội, các đối tượng vận chuyển lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng…. từ nước ngoài qua các tỉnh biên giới phía Bắc về các tỉnh lân cận Hà Nội, sau đó chia lẻ hàng hóa lên các xe ô tô loại nhỏ, xe khách, xe du lịch, xe ba bánh (thậm chí cả xe máy) vận chuyển vào nội thành để tiêu thụ. Có trường hợp các đối tượng làm giả giấy tờ kiểm định của cơ quan thú y nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo ông Trần Hữu Linh, thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm, cận Tết như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, đường, sữa, giò chả, các loại gia vị, chất phụ gia, thực phẩm chế biến. Quá trình kiểm tra sẽ đặc biệt chú ý tới những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa “3 không” (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng), hàng hóa kinh doanh trên môi trường mạng.

Về phía ngành y tế, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, các địa phương cần thành lập các đoàn kiểm tra ở cả 3 cấp triển khai công tác thanh, kiểm tra các mặt hàng, nhóm sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội; đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các làng nghề, các cơ sở sản xuất, điểm giết mổ gia súc, gia cầm.

Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Trong quá trình thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và chủ cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Về phía người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần chọn mua thực phẩm ở các cửa hàng uy tín, ưu tiên các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và chỉ nên sử dụng các sản phẩm được chứng nhận an toàn đã được kiểm định; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Trương Văn Ba cho hay, đơn vị này cũng đã lên kế hoạch kiểm tra nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, như: Quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống; đặc biệt chú ý đến các sản phẩm được sử dụng để làm quà tặng.

Trong khi đó, theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Việc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, đơn vị chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. "Chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra an toàn thực phẩm từ các đầu mối cung ứng lớn như các nhà sản xuất, chợ đầu mối, chuỗi bán lẻ lớn...", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Riêng tại TP.HCM, trong năm 2021 Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM và các sở, ngành, quận huyện đã kiểm tra 2.466 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Trong đó, phát hiện 86 cơ sở vi phạm và có 85 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Hơn 7,5 tấn sản phẩm thực phẩm vi phạm an toàn thực phẩm bị tịch thu để thay đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy. Bên cạnh đó, đã lấy mẫu kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm về chỉ tiêu hàn the, formol, phẩm màu đối với thực phẩm. Kết quả có 175/6.675 mẫu không đạt, đa số là sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang