Cảnh báo: Tai nạn bất ngờ từ việc 'dán mắt' vào màn hình điện thoại

author 11:02 28/08/2023

(VietQ.vn) - Nhiều vụ tai nạn xảy ra khi nạn nhân đang sử dụng điện thoại là lời cảnh tỉnh đối với những người đang lạm dụng thiết bị thông minh này.

Nhiều vụ tai nạn chết người do thói quen sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi

Trong thời đại hiện nay, smartphone đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng triệu người. Tuy nhiên, thói quen sử dụng điện thoại di động bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Ngay cả khi đang đi bộ trên đường hoặc lái xe, nhiều người vẫn không thể rời mắt khỏi màn hình smartphone.

Hành vi này đã gây ra nhiều vụ tai nạn nguy hiểm, trong đó không ít trường hợp kết thúc với những hậu quả thảm khốc. Hãy cùng xem qua một số tình huống tai nạn nghiêm trọng có nguồn gốc từ thói quen đặt smartphone lên hàng đầu, thay vì tập trung vào môi trường xung quanh.

Điển hình là gần đây xảy ra tai nạn đuối nước thương tậm tại Hà Nội, nghi vấn là do giáo viên dạy bơi mải dùng điện thoại, không nhận ra tình huống nguy hiểm khi học sinh đã vào khu vực nước sâu. Mặc dù nạn nhân được đưa đến bệnh viện ngay sau đó nhưng học sinh đã không qua khỏi. 

Cảnh báo nguy hiểm khi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Ảnh ST

Hoặc tại Diễn Châu, Nghệ An cũng từng có trường hợp vừa điều khiển xe vừa dùng điện thoại dẫn đến tai nạn xảy ra. Hậu quả là 3 nạn nhân tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định là do lái xe tải vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại di động.

Không chỉ ở Việt Nam, mà ở Trung Quốc một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc).

Vụ tai nạn được camera giám sát ghi lại, cho thấy khoảnh khắc một cô gái vừa đi vừa chăm chú vào chiếc smartphone trên tay. Sau đó, không hiểu vì lý do gì, cô gái này đứng lại ngay giữa đường để sử dụng điện thoại mà không chú ý đến các phương tiện xung quanh. Bất ngờ, một chiếc xe ô tô lao đến với tốc độ nhanh đã không kịp thời xử lý nên đã tông mạnh, hất văng cô gái này đi một đoạn xa. Hậu quả, cô gái tử vong tại chỗ.

Sau khi đoạn clip được đăng lên mạng xã hội, nhiều người cho rằng nếu trường hợp này nạn nhân không quá chăm chú vào chiếc điện thoại trên tay, rất có thể cô gái sẽ nhìn thấy chiếc xe đang lao đến và không có vụ tai nạn nào xảy ra.

Cũng tại Trung Quốc, hình ảnh từ camera giám sát ghi lại cho thấy khoảnh khắc một thiếu niên chăm chú sử dụng smartphone trong lúc đang đi xe máy điện với tốc độ khá nhanh, nên không chú ý đến những người đi bộ ở trước mặt.

Hậu quả, thiếu niên này đã tông thẳng vào một người phụ nữ đang đi bộ, khiến người này ngã đập đầu xuống đất. Cú ngã mạnh khiến nạn nhân, một phụ nữ 62 tuổi, tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện. Khai báo với cảnh sát, thiếu niên này cho biết mình 16 tuổi và thừa nhận bản thân đã mải mê sử dụng điện thoại di động khi đang chạy xe nên không phát hiện người đi bộ trước mặt. 

Tại Mỹ, trường hợp của Tim Malone, sống tại thành phố Chickasha (bang Oklahoma, Mỹ) là một ví dụ. Theo đó, trong khi đang đi bộ từ bãi đỗ xe đến văn phòng của mình, Malone đã vô tình giẫm phải một con rắn đang nằm trên hè phố. Điều đáng nói là nếu Malone không "dán mắt" vào màn hình smartphone khi đang đi, người này đã có thể dễ dàng nhìn thấy con rắn để bỏ chạy hoặc tránh sang một bên. Con rắn dài khoảng 1,2m đã nhanh chóng phản kháng sau cú đạp vô ý của Malone và cắn vào chân của người này. Tim Malone cũng nhanh chóng nhảy tránh khi nhận thấy con rắn, nhưng vẫn không kịp để thoát khỏi cú cắn. May mắn con rắn cắn Malone chỉ là một cá thể rắn cỏ không có độc. Các nhân viên môi trường đã bắt giữ lại và thả tự do con rắn này ở một khu vực xa khu dân cư. 

Những trường hợp kể trên chỉ là một vài ví dụ minh họa tiêu biểu cho rất nhiều tai nạn bắt nguồn từ thói quen quá chăm chú vào màn hình smartphone mà không quan tâm đến những chuyện xảy ra xung quanh. Những người đi bộ cũng cần tập trung khi tham gia giao thông, tuyệt đối không để  các thiết bị điện tử (điện thoại, tai nghe) gây mất tập trung và rồi xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Chế tài cho việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông

Khi tham gia giao thông, việc sử dụng điện thoại di động có thể tạo ra những tình huống nguy hiểm và gây ra rủi ro cho bản thân và người khác. Việc cố gắng tương tác với điện thoại trong lúc lái xe hoặc đi bộ trên đường có thể làm giảm sự tập trung, làm mất ánh nhìn và làm suy yếu khả năng phản ứng, dẫn đến tai nạn. Vì vậy pháp luật đã có những chế tài cho việc sử dụng điện thoại, các thiệt bị điện tử khi tham gia giao thông

Mức phạt đối với lái xe ô tô

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe tô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.

- Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như:

+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông. (Theo điểm a khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại điểm c, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP))

Mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

- Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như:

+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

+ Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.

(Theo điểm h khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại điểm g khoản 34 và điểm c khoản 35 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP))

Mức phạt đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng điện thoại di động. (Theo điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). 

 Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang