Tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năng suất lao động

author 05:14 17/02/2023

(VietQ.vn) - Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 chuyển dịch tích cực, góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của các ngành, từ đó làm tăng năng suất lao động (NSLĐ) chung của toàn nền kinh tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Việt Nam

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của các quốc gia. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thúc đẩy sự phát triển hợp lý, đồng đều để hướng tới việc khai thác và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế một cách hiệu quả.

Trong giai đoạn 2011-2020, chuyển dịch cơ cấu theo ngành kinh tế diễn ra nhanh, phù hợp với quy luật và trình độ phát triển của nền kinh tế là nguyên nhân quan trọng giúp Việt Nam đạt và duy trì tăng trưởng kinh tế cao, ổn định trong giai đoạn 2011-2020. Điều đó được thể hiện giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ở khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ.

Cụ thể, năm 2020, tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,66%, giảm 3,6 điểm phần trăm so với năm 2011; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,74%, tăng 2,16 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 41,83%, tăng 2,92 điểm phần trăm. Bình quân giai đoạn 2011-2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,27 điểm phần trăm/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,37 điểm phần trăm/năm; khu vực dịch vụ tăng 0,12 điểm phần trăm/năm.

Xu hướng này phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường tiềm lực của nền kinh tế nhất là tiềm lực công nghiệp và kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm, khu vực dịch vụ luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế. 

Xét trong từng khu vực kinh tế, chuyển dịch cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều tiến bộ, đi đúng hướng, đã khai thác được lợi thế cây, con và vùng lãnh thổ, góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu phát triển theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong trồng trọt, diện tích trồng lúa giảm dần để tăng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn (như cây công nghiệp ngắn ngày: bông, mía, đậu tương..., cây công nghiệp lâu năm: chè, cao su, hạt tiêu, cây ăn quả...), song vẫn bảo đảm được an ninh lương thực Quốc gia và tăng xuất khẩu gạo một cách đáng kể, phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường và có hiệu quả hơn.

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2011-2020 là 3%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2001-2010 (3,6%/năm). Như vậy, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm không hoàn toàn do sự tăng trưởng nhanh hơn của khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ mà còn do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực này trong giai đoạn 2011-2020.

Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng có sự chuyển dịch nhanh, phù hợp với nhu cầu của thị trường, đó là giảm dần sự phụ thuộc vào ngành khai thác khoáng sản và tài nguyên, trong khi đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng mở rộng quy mô. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến tăng nhanh (từ 18,69% năm 2011 lên tới 23,95% năm 2020) và tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm dần (từ 7,79% xuống còn 2,40%), tỷ trọng công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng (từ 2,22% lên 3,90%) trong giai đoạn này đã phản ánh quá trình chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển.

Mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong GDP nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và lệ thuộc doanh nghiệp FDI về các yếu tố đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn.

Đặc biệt, các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… và đóng vai trò chủ yếu chỉ là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỉ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5-10%.

Trong giai đoạn 2011-2019, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá cao (bình quân mỗi năm tăng 7,33%) và cao hơn tốc độ tăng GDP (6,59%), đồng thời chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP. Cơ cấu khu vực dịch vụ đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành bán buôn, bán lẻ (năm 2019 tăng 1,72 điểm phần trăm so với năm 2011), vận tải kho bãi (tăng 0,43 điểm phần trăm); dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 0,21 điểm phần trăm); giáo dục và đào tạo (tăng 0,98 điểm phần trăm); tỷ trọng các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giữ ổn định; tỷ trọng hoạt động kinh doanh bất động sản giảm dần (giảm 1,01 điểm phần trăm).

Ảnh minh hoạ

Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tăng trưởng của khu vực dịch vụ giảm sút (chỉ tăng 2,01% so với năm trước), dẫn đến tỷ trọng của một số ngành dịch vụ thị trường giảm so với năm 2019 (vận tải kho bãi giảm 0,22 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 0,68 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 0,07 điểm phần trăm…).

Nhìn chung, cơ cấu kinh tế của Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với một số quốc gia trong khu vực. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam năm 2020 tương đương cơ cấu kinh tế của Thái Lan năm 1989 (NLTS: 15,1%; CNXD: 36,3%; DV: 48,7%); In-đô-nê-xi-a năm 2014 (NLTS: 13,3%; CNXD: 41,9%; DV: 42,2%); Hàn Quốc năm 1983 (NLTS: 12,6%; CNXD: 33%; DV: 43%); Trung Quốc năm 2003 (NLTS: 12,3%; CNXD: 45,6%; DV: 42%). Năm 2020, tỷ trọng của khu vực NLTS trong GDP của Việt Nam vẫn thuộc loại cao, đứng thứ 4 trong 10 quốc gia ASEAN, thứ 13/43 nước và vùng lãnh thổ ở Châu Á, 73/218 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh.

Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP của Việt Nam đứng thứ 6/10 quốc gia ASEAN, 36/218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP của Việt Nam đứng thứ 6/10 nước; ở châu Á đứng thứ 27/43 nước và vùng có số liệu so sánh; đứng thứ 119/218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Việt Nam xuất phát từ một nước nông nghiệp, hơn 63,2% dân số sống ở nông thôn (năm 2020), hơn 30% lao động đang làm việc trong nền kinh tế của cả nước tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Do vậy, việc giảm tỷ trọng của khu vực này trong GDP phải mất nhiều thời gian và điều kiện cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Ảnh hưởng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế tới NSLĐ

NSLĐ chịu tác động của nhiều nhân tố, trong đó chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là nhân tố quan trọng. Giai đoạn 2011-2020, bình quân mỗi năm tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,6 điểm phần trăm, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 5%/năm, đã tác động tích cực làm NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,12%/năm; trong khu vực công nghiệp và xây dựng, bình quân mỗi năm tỷ trọng lao động tăng 0,9 điểm phần trăm, vốn đầu tư tăng 6,4%/năm, góp phần đưa NSLĐ tăng 2,67%/năm; trong khu vực dịch vụ, bình quân mỗi năm tỷ trọng lao động tăng 0,7 điểm phần trăm, vốn đầu tư tăng 7%/năm, góp phần đưa NSLĐ tăng 3,79%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có tác động rõ rệt tới NSLĐ, nhưng không đồng đều trong một số ngành kinh tế. 

Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 chuyển dịch tích cực, góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của các ngành, từ đó làm tăng NSLĐ chung của toàn nền kinh tế. Một số ngành có tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP cao nhưng lại có mức NSLĐ thấp. Ví dụ như ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến chế tạo; bán buôn và bán lẻ. Trong khi đó những ngành có NSLĐ cao như cung cấp nước, hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước; ngành khai khoáng lại có tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP nhỏ.

Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm 0,18 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,25 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 0,31 điểm phần trăm nhưng NSLĐ toàn nền kinh tế tăng 4,53%/năm.

Giai đoạn 2016-2020, chuyển dịch cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra mạnh mẽ nên tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm nhiều hơn giai đoạn trước (giảm 0,36 điểm phần trăm/năm); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao (0,5 điểm phần trăm/năm); khu vực dịch vụ giảm nhẹ (0,07 điểm phần trăm/năm) nhưng tăng trưởng NSLĐ trong giai đoạn này đạt 6,05%/năm và cao hơn tốc độ tăng của giai đoạn trước.

Như vậy, NSLĐ có xu hướng tăng cùng chiều với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sử dụng dữ liệu mảng, bao gồm dữ liệu về cơ cấu giá trị tăng thêm, cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo và cơ cấu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của 20 ngành kinh tế để đánh giá chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, cơ cấu vốn đầu tư theo ngành đến NSLĐ trong giai đoạn 2011-2020 theo mô hình hồi quy như sau: lnLP= α0 + α1lnEcostructureit + α2lnTrainlaborit + α3lnLaborstructureit + α4lnInvestructureit ci + uit.

Trong đó:

+ Ecostructure là cơ cấu kinh tế. Biến này phản ánh ảnh hưởng của chuyển dịch cơ cấu sản lượng theo ngành tới tăng NSLĐ, trong đó cơ cấu ngành phân tích là 20 ngành kinh tế cấp 1 (không bao gồm hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế). Khi nền kinh tế phát triển, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và ngành dịch vụ. Do đó, hệ số α1 được kỳ vọng là mang dấu dương.

+ Trainlabor là tỷ lệ lao động qua đào tạo: Biến này thể hiện ảnh hưởng của giáo dục đào tạo tới tăng NSLĐ, hệ số α2 được kỳ vọng mang dấu dương.

+ Laborstructure là cơ cấu lao động: Biến này thể hiện ảnh hưởng của tỷ trọng lao động đang làm việc tới tăng NSLĐ, hệ số α3 được kỳ vọng mang dấu âm.

+ Investructure: cơ cấu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Biến này thể hiện ảnh hưởng của vốn đầu tư phát triển tới tăng NSLĐ. Vốn là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ, đầu tư nâng cao trình độ lao động, qua đó cải thiện NSLĐ. Do vậy, hệ số α4 được kỳ vọng mang dấu dương.

NSLĐ có giá trị trung bình là 349,6 triệu đồng/lao động và có độ biến thiên khá lớn, giá trị nhỏ nhất là 17,6 triệu đồng/lao động và lớn nhất là 1.735,1 triệu đồng/lao động. Các biến còn lại có độ lệch chuẩn tương đối nhỏ và độ biến thiên tương đối lớn.

Sử dụng mô hình hồi quy dữ liệu mảng, ước lượng tác động cố định (cho kết quả tốt hơn ước lượng tác động ngẫu nhiên) với biến NSLĐ là biến phụ thuộc, tỷ lệ lao động qua đào tạo, cơ cấu vốn đầu tư, cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế là các biến độc lập, các biến giả từ year1 đến year11. Hệ số R2= 67,89% thể hiện sự thay đổi của các biến độc lập đưa vào mô hình đã giải thích được 67,8% sự thay đổi của biến phụ thuộc lnlaborprodutivity. Kết quả ước lượng mô hình cho thấy, trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi:

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế (ecostructure): Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 đã chuyển dịch theo hướng có lợi đối với tăng NSLĐ mặc dù mức độ ảnh hưởng rất nhỏ. Kết quả ước lượng thể hiện tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng 1% thì NSLĐ sẽ tăng lên 1,11 điểm phần trăm với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã góp phần làm tăng NSLĐ, hướng vào việc tăng tỷ trọng các ngành có giá trị tăng thêm cao nên đóng góp tích cực vào tăng NSLĐ của nền kinh tế.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo (trainlabor): Theo kết quả ước lượng từ mô hình, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng lên sẽ góp phần cải thiện NSLĐ. Kết quả ước lượng chỉ ra rằng, nếu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng thêm 1% thì NSLĐ sẽ tăng thêm 1,2 điểm phần trăm, với điều kiện các nhân tố khác không đổi. Kết quả này phản ánh vai trò quan trọng của trình độ tay nghề, kỹ năng mà người lao động cần có để góp phần tăng NSLĐ.

Cơ cấu lao động (laborstructure): Kết quả ước lượng cho thấy, khi tỷ trọng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế tăng 1%, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, NSLĐ sẽ giảm 0,38 điểm phần trăm. Như vậy, chuyển dịch lao động trong thời gian qua chưa thúc đẩy mà còn tác động làm giảm NSLĐ của toàn nền kinh tế, kết quả này cũng minh họa cho thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động trong giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 còn chậm.

Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ thấp. Do đó, để thúc đẩy tăng NSLĐ ở cả liên ngành lẫn nội ngành thì quá trình chuyển dịch lao động theo khu vực kinh tế cần phải nhanh hơn nữa theo hướng lao động giản đơn dần được thay thế bởi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Cơ cấu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo ngành kinh tế (lninveststructure): Trong giai đoạn 2011-2020, vốn đầu tư không tạo ra tác động lan tỏa và cải thiện NSLĐ của nền kinh tế mà còn tạo ra tác động tiêu cực dù nhỏ. Kết quả ước lượng cho thấy, khi vốn đầu tư tăng thêm 1%, NSLĐ giảm 0,145 điểm phần trăm với điều kiện các nhân tố khác không đổi. Nguyên nhân do trong giai đoạn này, vốn đầu tư phát triển chưa thực sự hiệu quả, đầu tư dàn trải, dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các ngành, lĩnh vực. Do đó, vốn đầu tư chưa là nhân tố đóng góp nhiều vào thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ của toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2020.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang