Tầm nhìn hướng tới phát triển nông nghiệp xanh bền vững

author 18:57 08/10/2021

(VietQ.vn) - Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”.

 Công nghệ sẽ là yếu tố ứng dụng phát triển nông nghiệp xanh trong tương lai

Nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 14,85% GDP của Việt Nam. Mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% năm 2020; 9 tháng đã qua của năm 2021 duy trì tăng trưởng 2,74%. Vì thế, vai trò của ngành nông nghiệp trở nên càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện “bình thường mới” cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Mặc dù vậy, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn. Có thể đề cập tới khả năng cạnh tranh của các hộ sản xuất quy mô nhỏ còn hạn chế. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh nông nghiệp. Đây là cơ sở để Bộ NN&PTNT dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay. 

Do đó, chiến lược hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”.

Ngành nông nghiệp xác định yêu cầu chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh” - Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh nội dung trên khi phát biểu tại Hội nghị tổ chức ngày 8/10.

Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị” sản phẩm cả về kinh tế, xã hội, văn hóa bản địa, cảnh quan, môi trường.

Ngành nông nghiệp cũng xác định cần tạo ra nhiều giá trị mới cho sản phẩm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên.

Nguồn lực để triển khai Chiến lược mới sẽ chủ yếu dựa vào “Tháo gỡ thể chế - Khơi thông nguồn lực”. Tăng cường hợp tác công tư trong tổng thể phát triển gắn kết, hài hoà “Nhà nước - Thị trường - Xã hội”. Huy động vốn từ cộng đồng, hợp tác xã, doanh nghiệp đối tác sẽ là giải pháp cơ bản. Trong đó đầu tư theo hình thức Đối tác Công - Tư (PPP) là công cụ quan trọng. 

Bộ NN&PTNT đánh giá việc triển khai các Nhóm công tác PPP ngành hàng đã và đang mang lại kết quả tích cực, đáng khích lệ. Đến nay, đã xây dựng được nhiều mô hình trình diễn canh tác bền vững, thân thiện môi trường và tăng thu nhập cho nông dân; tạo dựng một số chuỗi giá trị liên kết với các sản phẩm có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu...

Qua đó, góp phần nâng cao năng lực canh tranh, giá trị gia tăng; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa, cải thiện đời sống cho người nông dân. 

Trên cơ sở sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), mô hình PPP đã được thể chế hóa thành Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (gọi tắt là PSAV), hiện đang triển khai 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng bao gồm: Cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, hồ tiêu, chăn nuôi và hóa chất nông nghiệp, với sự tham gia của 120 tổ chức, công ty trong nước và quốc tế, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.

 An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang