Thái Nguyên: Tạm giữ lô dép nữ dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

author 17:09 20/12/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên vừa tạm giữ nhiều đôi dép nữ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo thông tin từ Cục QLTT Thái Nguyên, thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhân Dần 2022, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an huyện Võ Nhai đã tiến hành khám xe ô tô tải biển kiểm soát 34C-263.31 vận chuyển giày dép nữ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu HERMÈS.

 Thu giữ nhiều đôi giày giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Quá trình khám, đoàn kiểm tra phát hiện trong thùng xe có nhiều đôi dép nữ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu HERMÈS. Đấu tranh, khai thác đối tượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, hàng hóa tại thời điểm khám, hàng hóa không có nhãn theo quy định của pháp luật, không có bao bì, hộp chứa đựng hàng hóa, chất liệu sản xuất là nhựa không đúng quy cách của nhà sản xuất.

Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu HERMÈS để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo lực lượng chức năng, bán hàng giả mạo nhãn hiệu là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Thực tế, trên thị trường hiện nay tình trạng này xảy ra khá nhiều. Không khó để bắt gặp những sản phẩm đạo nhái từ các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Adidas, Gucci, Nike, Chanel,... bày bán tràn lan. 

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Luật Sở hữu trí tuệ quy định, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự.

Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

An Dương  

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang