Thanh Hóa: Thu giữ, tiêu hủy gần 2 tấn thực phẩm bẩn
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Hà Nội: Phát hiện 14 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thu hồi thực phẩm cho thú cưng nhãn hiệu Kitten Mix do nguy cơ nhiễm khuẩn
Vận chuyển thực phẩm lạnh đáp ứng yêu cầu theo TCVN 13990:2024
Thực hiện kế cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ, mới đây, Công an TP Thanh Hóa phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hai cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Qua kiểm tra, hai chủ cơ sở đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số thực phẩm đang kinh doanh.
Lực lượng chức năng thu giữ số thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, các cơ sở này còn bị phát hiện kinh doanh thực phẩm nhập lậu, quá hạn sử dụng và không có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định. Lực lượng chức năng đã thu giữ gần 2 tấn hàng hóa vi phạm, bao gồm gần 1 tấn chân gà, chân gà rút xương, ức gà, vịt, 898 gói xúc xích, 32 gói chân giò ủ muối, chả sụn non và nhiều loại thực phẩm khác.
Sau khi thu giữ số lượng hàng hóa vi phạm, cơ quan chức năng đã tiến hành củng cố hồ sơ vụ việc và ra quyết định xử phạt hành chính hai cơ sở với tổng số tiền 65,5 triệu đồng. Ngày 6/1, dưới sự giám sát của lực lượng chức năng, toàn bộ số thực phẩm vi phạm đã bị tiêu huỷ tại bãi rác Đông Nam, TP Thanh Hóa theo đúng quy định.
Tiêu hủy thực phẩm không an toàn theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Đội Quản lý Thị trường số 10 phối hợp với Phòng PC03 - Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã kiểm tra và xử phạt 17 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Trần Văn Tiến (địa chỉ số 109 Sơn Vạn, phường Đông Hải), đồng thời buộc tiêu huỷ số thực phẩm trị giá 26,15 triệu đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo quản theo tiêu chuẩn vệ sinh có thể gây ra các nguy cơ ngộ độc cấp tính hoặc gây bệnh nguy hiểm như tim mạch, đái tháo đường, béo phì...
Những hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, chất tăng trọng hay kháng sinh tồn dư trong thực phẩm không nguồn gốc có thể dần ngấm vào cơ thể, tích tụ trong các mô mỡ, tủy xương và gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư, loãng xương, suy giảm trí nhớ và thoái hóa xương khớp. Đặc biệt, thực phẩm không an toàn còn là nguy cơ phát sinh và lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng.
Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ cấp bách và cần sự phối hợp của toàn xã hội. Nhà nước và các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao ý thức của người dân về an toàn thực phẩm, từ đó giảm thiểu nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trong việc lựa chọn thực phẩm, ưu tiên những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với các loại thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc và báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.
Duy Trinh (t/h)