Tháo gỡ rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu

author 06:34 18/10/2023

(VietQ.vn) - Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam trong thời gian vừa qua liên tục đối mặt với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia..

Dự báo, những tháng cuối năm 2023 tình hình thương mại thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nên doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh của các nước xuất khẩu, nhất là với thị trường mục tiêu. Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng gây áp lực cho doanh nghiệp trong nước tại thị trường nhập khẩu, buộc Chính phủ của họ phải sử dụng các công cụ chính sách để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước; trong đó, có biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép.

Ngoài ra, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ... là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Theo thống kê, đến hết tháng 9/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 234 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện. Riêng trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến hàng tỷ USD; trong đó, thép, sợi… là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới. Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ đang có xu hướng áp dụng ngày càng nhiều biện pháp cản trở nhập khẩu với mục đích bảo hộ sản xuất trong nước. Chẳng hạn như: hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, thường xuyên bổ sung quy định mới, tăng mạnh về điều tra sau đó áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh... khiến việc nhập khẩu hàng hoá ngày càng khó khăn.

Nhằm giảm nhập siêu với các nước; trong đó, có Việt Nam, Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng ngày càng nhiều biện pháp bảo hộ. Tính đến hết tháng 5/2023, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam. Tổng cộng 55 vụ, chiếm gần 25% tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra gồm các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép, gỗ, thủy sản, dệt may, lốp xe, máy xịt rửa áp lực cao đến sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nhỏ như mật ong, máy cắt cỏ, đệm mút, túi dệt...

 Những tháng cuối năm 2023 tình hình thương mại thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Là ngành hàng xuất khẩu bị thị trường nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất và sớm nhất, đến nay, ngành hàng thép đã phải đối mặt với gần 80 vụ việc, chiếm hơn 1/3 tổng số vụ và dự báo sẽ có thêm nhiều vụ việc nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp thép đã dần bắt nhịp được với yêu cầu của cơ quan điều tra các nước, nhiều vụ kháng kiện đã có được kết quả tích cực. Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, Việt Nam thường xuyên phải đối diện với vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến ngành thép do chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất cũng như nhân công đang còn thấp. Với lợi thế này, giá thành phẩm sẽ rẻ hơn so với giá sản xuất ở thị trường; trong đó, có Hoa Kỳ.

Hơn nữa, sự tăng trưởng đó kéo theo xuất khẩu cũng gia tăng nhanh chóng và một khi tăng quá nhanh đối với một mặt hàng tại thị trường nào đó sẽ dễ bị vướng vào các vụ việc phòng vệ. Nhưng ở góc độ khác, điều này lại khẳng định vị thế mới của hàng hóa và giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới sẽ tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng suy giảm, tổng cầu trong nước giảm mạnh, kéo theo nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp của các doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chất lượng lao động là một trong những thách thức khác mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Theo Tổng điều tra lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê, cả nước chỉ có khoảng 26,1% người có việc làm là đã qua đào tạo. Trong đó, tỷ lệ người lao động có trình độ từ cao đẳng - đại học trở lên chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15%. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo thấp nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (14,7%) và cao nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng (36,8%). Chất lượng lao động còn có thể xem xét qua một thước đo quan trọng đó là năng suất lao động, thể hiện qua số lượng sản phẩm được tạo ra tính trên một đơn vị người lao động làm việc hoặc giờ lao động. Năng suất lao động được coi là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021 - 2025 bình quân trên 6,5%/năm. Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm thấp ở châu Á dù có những cải thiện trong những năm gần đây. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam cũng ở mức rất thấp, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (1,6 lần), Lào (gấp 1,2 lần)…

Ngoài ra, chi phí sản xuất kinh doanh cao cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay vẫn còn cao, nằm ở 4 nhóm chính: Chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, logistics. Trong thời gian tới, kinh tế thế giới biến động khó lường, với triển vọng không mấy tươi sáng. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn mong manh.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng, để thúc đẩy và hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần tiếp tục khẳng định và thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tạo nền tảng cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững, có đủ năng lực chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai.

Thực hiện đồng bộ chính sách tài khoá và tiền tệ, trong đó chính sách tài khoá là trọng tâm, với cơ chế đặc thù về chính sách thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp.

Đồng thời thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực. Xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi. Tiếp tục thực hiện các giải pháp làm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp, không ban hành thêm văn bản gây gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang