Thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng và mặt trái của thị trường thực phẩm chức năng

author 11:00 22/05/2025

(VietQ.vn) - Trước tình trạng hàng giả, quảng cáo sai sự thật trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã lập 15 tổ kiểm tra đồng loạt trên toàn quốc. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện, trong đó hàng chục nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa... bị thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng.

Trước tình trạng hàng giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã thành lập 15 tổ kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc, đồng thời đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành, lập đoàn kiểm tra địa phương nhằm tăng cường giám sát và siết chặt quản lý với các sản phẩm như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa và thiết bị y tế. Đây là động thái mạnh mẽ của cơ quan quản lý trong bối cảnh nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện gần đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường kinh doanh chân chính.

Một trong những vụ việc đáng chú ý là trường hợp Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can bị lực lượng chức năng phát hiện có hành vi sản xuất và quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng với công dụng bị thổi phồng, sai lệch, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc điều trị bệnh. Cụ thể, Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 và Công an xã Sài Sơn tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất tại thôn Năm Trại, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội phát hiện 11.430 hộp sản phẩm thực phẩm chức năng các loại như trà, sữa hạt, viên uống.

Xưởng sản xuất được bố trí kín đáo, sâu trong ngõ nhỏ và nguỵ trang bằng hình vẽ loang lổ nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can có nhiều sai phạm như: không thông báo bằng văn bản các thay đổi sau công bố sản phẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ghi nhãn không đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định; mô tả sai lệch về tính năng, công dụng sản phẩm, đặc biệt là thông tin dễ gây hiểu nhầm rằng sản phẩm có khả năng điều trị bệnh.

Doanh nghiệp này còn sử dụng mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử như website, TikTok, Shopee để quảng cáo các nội dung sai lệch, làm người tiêu dùng tin tưởng vào những công dụng không có thật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người sử dụng và gây tổn hại đến niềm tin xã hội đối với ngành thực phẩm chức năng.

Trước sự việc này, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác khi tiếp cận các sản phẩm quảng cáo "có cánh" trên mạng, đồng thời khuyên người tiêu dùng tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin sản phẩm và chỉ sử dụng thực phẩm chức năng có nguồn gốc rõ ràng, được công bố đúng quy định.

Hiểu nhầm chết người từ lời quảng cáo thổi phồng công dụng sai sự thật.

Trong đợt cao điểm lần này, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các tổ kiểm tra tập trung rà soát hồ sơ pháp lý, điều kiện sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, hoạt động quảng cáo, ghi nhãn và công bố sản phẩm tại doanh nghiệp và phòng khám. Đồng thời, Bộ yêu cầu các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý y tế ký cam kết không tham gia quảng cáo sai sự thật, không phóng đại công dụng sản phẩm. Nếu vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Song song đó, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến tác hại của hàng giả, hàng nhái, kêu gọi người dân chủ động tố giác vi phạm qua báo chí, mạng xã hội và các kênh tiếp nhận thông tin chính thức. Cuối chiến dịch, các địa phương và đơn vị trực thuộc sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất cơ chế duy trì lâu dài công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm y tế, tránh tình trạng buông lỏng sau cao điểm.

Bộ Y tế đánh giá, các thủ đoạn sản xuất – kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, không chỉ lừa dối người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và làm xói mòn niềm tin vào hệ thống quản lý nhà nước.

Trên thực tế, để ngăn chặn hành vi gian dối trong lĩnh vực y tế, doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, mọi sản phẩm thực phẩm chức năng phải được công bố và quản lý theo Thông tư 43/2014/TT-BYT, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Đối với mỹ phẩm, việc công bố tiêu chuẩn, ghi nhãn và quảng cáo phải tuân theo Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm. Tất cả sản phẩm lưu hành trên thị trường đều phải thực hiện đúng quy định ghi nhãn hàng hóa theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP, bao gồm các thông tin bắt buộc như thành phần, công dụng, cách dùng, nhà sản xuất, cảnh báo (nếu có).

Việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng phải tuân thủ Thông tư 09/2015/TT-BYT, chỉ được phép sau khi đã đăng ký nội dung với cơ quan chức năng và không được sử dụng ngôn từ gây hiểu lầm như "chữa khỏi", "đặc trị", "thay thế thuốc" – đây là hành vi vi phạm Luật Quảng cáo 2012 và có thể bị xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại và y tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham chiếu, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) áp dụng cho từng loại sản phẩm. Việc không tuân thủ không chỉ dẫn đến nguy cơ bị xử lý hành chính, đình chỉ hoạt động mà trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Phạm Thanh Hiền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang