Tin tức mới nhất về phương án 'cấp cứu' cầu Long Biên có nguy cơ bị sập

author 06:56 19/01/2015

(VietQ.vn) - Đã có những phương án chi tiết và nguồn vốn được bố trí để gia cố, sửa chữa, thay thế các hạng mục dầm, trụ, lan can... của cầu Long Biên khi cây cầu này được cho là đứng trước nguy cơ bị sập.

Tin tức mới nhất từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị này cho biết, trên cơ sở nghiên cứu kỹ thuật của Thales từ 2002 - 2004 và nghiên cứu bổ sung của Freqssinet tháng 11/2005, Bộ Giao thông vân tải cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình “Khôi phục cầu Long Biên” tại Quyết định số 4182/QĐ-BGTVT ngày 07/11/2005

Quá trình lập dự án, Tổng công ty thiết kế GTVT (TEDI) - đơn vị tư vấn lập dự án đề xuất phương án khôi phục với công năng cầu đảm bảo an toàn và khai thác trước mắt cho đường sắt, xe thô sơ, xe máy và người bộ hành và yêu cầu khai thác lâu dài cho giao thông đô thị (xe buýt, taxi, xe con) xe đạp, xe máy và người bộ hành. Mặt cắt ngang cầu sau khi khôi phục giai đoạn 2 gồm làn đường giữa cầu dùng cho xe máy và xe thô sơ, 2 bên cánh gà dùng cho ô tô.

Nhiều hạng mục của cầu Long Biên xuống cấp nghiêm trọng

Nhiều hạng mục của cầu Long Biên xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Tháng 3/2006 TEDI đã giao nộp báo cáo cuối kỳ, TCTy ĐSVN và Bộ GTVT đã nhiều lần tổ chức họp và yêu cầu TEDI hoàn thiện nội dung báo cáo cuối kỳ. Trong quá trình nghiên cứu lập dự án, do có sự chưa thống nhất về chủ trương đầu tư, nên hiện nay Tư vấn đang phải nghiên cứu 2 Phương án:

- PA1: Khôi phục cầu Long Biên để phục vụ giao thông đô thị;

- PA2: Khôi phục lại nguyên bản cầu Long Biên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của cầu Long Biên

Đối với nguồn vốn thực hiện dự án: hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn vốn để xây dựng dự án ( dự kiến tổng mức đầu tư là 132 triệu EURO). Chính phủ Pháp chưa cam kết vốn cho dự án nên Dự án chưa được xem xét phê duyệt, Đề nghị dự án nên nghiên cứu sau vì nếu kết quả nghiên cứu ở thời điểm hiện tại mà đến năm 2020 mới triển khai thực hiện thì sẽ không còn phù hợp (do chưa xác định được nguồn vốn cho giai đoạn 2 và còn có nhiều ý kiến khác nhau của các Bộ, ngành, địa phương).

Theo ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN 2, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và giao thông đô thị đến năm 2020, ngày 09/01/2012,  Bộ GTVT có Văn bản số 166/BGTVT-KHĐT bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu lập dự án “Khôi phục cầu Long Biên” và phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn.

Theo đó giai đoạn 1: “Gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020”;

Giai đoạn 2: Đầu tư khôi phục, cải tạo cầu Long Biên phục vụ đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) hoàn thành và đưa vào khai thác.

Các phương án cứu cầu Long Biên đang được triển khai

Các phương án cứu cầu Long Biên đang được triển khai. Ảnh minh họa

Thực hiện các ý kiến chỉ đạo tại các văn bản nêu trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khẩn trương tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án, theo đó cầu Long Biên sẽ được gia cố sửa chữa các hạng mục chính như sau:

- Hệ dầm Pháp:

+    Hệ dàn chủ: Gia cố mạ hạ, mạ thượng bị hư hỏng, thay các thanh dàn chủ bị hư hỏng và được gia cố tạm trong chiến tranh, gia cố một số dầm ngang bị hư hỏng nặng ..

+    Hệ dầm mặt cầu đường bộ: Gia cố hoặc thay mới dầm dọc mặt cầu đường bộ bị hư hỏng nặng, Gia cố hoặc thay mới công son mặt cầu đường bộ bị hư hỏng nặng.

+     Gia cố Hệ liên kết dọc trên, dọc dưới, liên kết ngang, Gia cố hệ lan can phòng hộ, tay vịn bị hư hỏng

+    Thay các thanh chéo, mạ thượng nhịp 6 (trong phạm vi 4 khoang từ ô 7 đến ô 10), nhịp 8 (trong phạm vi 2 khoang từ ô 11 đến ô 12) cả thượng và hạ lưu cầu;

- Hệ dầm YUKM:

+    Gia cố, thay mới các thanh dàn chủ, hệ liên kết bị gỉ mất tác dụng tại các nhịp hệ 7 dầm, hệ 10 dầm và ô tránh nhịp 6 dầm Pháp;

+    Gia cố, thay mới các thanh dầm ngang, dầm dọc bị mất tác dụng.

+    Gia cố hoặc chống rỉ cho hệ nề thép bằng thép hình ở hai bên kê dầm YUKM cùng với hệ nạnh chống.

+    Gia cố hệ lan can phòng hộ, tay vịn bị hư hỏng.

-  Hệ dầm T66 dành cho đường sắt: Gia cố và sơn chống gỉ mạ thượng cho toàn bộ 17 nhịp dầm T66 bằng hệ thống sơn chống ăn mòn giống như áp dụng cho hệ dầm Pháp.

-  Kết cấu phần dưới: Gia cố Hệ trụ chính, Hệ trụ phụ, Hệ trụ chống va

- Sửa chữa Kiến trúc tầng trên đường sắt và mặt đường bộ, Thay các bản lòng đường bị hỏng trên toàn cầu, Gia cố các bản bê tông vệt bánh xe bị hỏng trên toàn cầu, Thảm nhựa trên các vị trí bị hỏng trên toàn cầu.

Ông Hưng cũng cho biết, trước đó vào ngày 29/12/1995, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) phê duyệt dự án “Gia cố, sửa chữa cầu Long Biên đến năm 2005” (Quyết định số 5416/QĐ-BGTVT) với tổng mức đầu tư 19,4 tỷ VNĐ; ngày 17/5/2002, Bộ GTVT phê duyệt dự án “Gia cố, sửa chữa cầu Long Biên giai đoạn 2” (Quyết định số 1483/QĐ-BGTVT) có tổng mức đầu tư 94,6 tỷ VNĐ với mục tiêu gia cố, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang