Canada thu hồi sản phẩm gà viên thương hiệu Swiss Chalet sau báo cáo về chấn thương

author 09:09 21/02/2025

(VietQ.vn) - Theo Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA), Công ty sản xuất Olymel chủ động thu hồi các miếng ức gà đông lạnh nhãn hiệu Swiss Chaletdo do có thể chứa mảnh xương.

Theo CFIA, sản phẩm gà viên ức gà đông lạnh thương hiệu Swiss Chalet do công ty Olymel sản xuất đã bị thu hồi trên toàn Canada do có thể chứa mảnh xương. "Có báo cáo về trường hợp chấn thương liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm này", khuyến cáo của CFIA nêu rõ.

Hình ảnh trên bao bì sản phẩm nằm trong diện thu hồi. Ảnh: CFIA

Tuy nhiên, không có thông tin chi tiết về số lượng, loại hoặc mức độ nghiêm trọng của các chấn thương. Lệnh thu hồi do công ty chủ động thực hiện áp dụng đối với các gói 700 gram, mã vạch UPC 066701011479, hạn sử dụng ghi trên bao bì là BB 2025 SE 07 và BB 2025 SE 26.

Hạn sử dụng được ghi trên bao bì sản phẩm. Ảnh: CFIA

CFIA khuyến cáo người dân không tiêu thụ, phục vụ, sử dụng, bán hoặc phân phối sản phẩm bị thu hồi có hạn sử dụng trước ngày 7 tháng 9 và ngày 26 tháng 9. Những sản phẩm này nên được vứt bỏ hoặc trả lại nơi mua.

Hiện, CFIA đang tiến hành điều tra an toàn thực phẩm, có thể dẫn đến việc thu hồi thêm các sản phẩm khác. Đồng thời, cơ quan này cũng đang xác minh việc doanh nghiệp loại bỏ sản phẩm bị thu hồi khỏi thị trường.

Theo thông tin trên trang web của Olymel, công ty có các nhà máy đặt tại tỉnh thành phố như: New Brunswick, Quebec, Ontario và Alberta. Olymel có 12.000 nhân viên làm việc tại các nhà máy, văn phòng và trung tâm phân phối trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, việc thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn được quy định chi tiết trong Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ Y tế. Thông tư này hướng dẫn cụ thể về hình thức, trình tự và trách nhiệm thu hồi, cũng như xử lý sau thu hồi đối với sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ và vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Theo quy định, khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn, doanh nghiệp phải chủ động thu hồi và thông báo cho cơ quan chức năng. Quá trình thu hồi phải được thực hiện kịp thời, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Sau khi thu hồi, sản phẩm có thể được xử lý bằng cách tiêu hủy hoặc tái chế tùy theo mức độ vi phạm và hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định về thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang