Xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu

author 16:49 04/12/2023

(VietQ.vn) - Trước tình trạng quản lý thu thuế và quản lý hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa chặt chẽ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

Quản lý thu thuế và quản lý hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thật chặt chẽ

Kinh doanh xăng dầu là một trong những ngành kinh doanh có đặc thù riêng, số thu từ thuế và phí xăng dầu đã góp phần vào hoàn thành số thu chung của ngành Thuế. Tuy nhiên trong thời gian qua việc quản lý thu thuế và quản lý hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thật chặt chẽ, dẫn đến thất thu cho ngân sách.

Việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử được quy định trong Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022. Đối với việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ xăng dầu và hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời, ngành Thuế tăng cường phối hợp giữa cơ quan ban, ngành địa phương trong việc rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ áp dụng xuất hóa đơn điển tử cho từng lần bán hàng. Việc triển khai hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng có những khó khăn nhất định như chi phí, thói quen người tiêu dùng. Ghi nhận thực tế cho thấy, người đi xe máy chưa có thói quen lấy hóa đơn mỗi lần mua xăng.

Tổng cục Thuế cho biết, có tình trạng doanh nghiệp cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng bán trong ngày, hoặc xuất một hóa đơn theo tuần, tháng... Thậm chí, bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách.

 Cần tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Ảnh minh họa

Do đó, trong thời gian qua số thu thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu rất thấp, chưa tương xứng với khả năng kinh doanh giữa các chủ kinh doanh xăng dầu với các ngành khác. Nếu nhìn vào quy mô kinh doanh, nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là ngày càng có nhiều cây xăng dầu mới được xây dựng thêm mà số tiền để đầu tư xây dựng một cây xăng không phải là ít nếu kinh doanh không có hiệu quả thì chẳng ai bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng một cây xăng. Qua đó chúng ta có thể khẳng định rằng ngành kinh doanh xăng dầu còn thất thu về thuế và việc thất thu thuế được thể hiện qua các hình thức sau: Ðơn vị không kê khai đúng thực tế doanh số bán, doanh số bán lẻ rất lớn nhưng không xuất hóa đơn, bán trao tay, bán hàng thông qua điện thoại ... nên đã không phản ánh đúng doanh thu thực tế.

Trong quản lý hóa đơn, việc mua bán, cho hóa đơn đối với ngành kinh doanh xăng dầu hiện nay xảy ra khá phổ biến. Vì vậy đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu ngoài việc gây thất thu thuế cho Nhà nước còn thu lợi được từ hoạt động bán hóa đơn của mình thể hiện qua: hầu hết doanh số bán lẻ hàng ngày và doanh số bán cho các đơn vị không cần hóa đơn không được thể hiện trên bảng kê bán hàng ngày hoặc nếu có chỉ là phần nhỏ so với thực tế doanh số bán hàng ngày. Doanh số bán ra này các đơn vị kinh doanh xăng dầu tập hợp lại dùng để xuất hóa đơn hoặc cho hóa đơn các đơn vị, các công ty cần hóa đơn xăng dầu dùng để khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào hoặc hoàn thuế và đưa vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhưng trong thực tế không sử dụng hoặc có sử dụng nhưng số lượng không đúng thực tế doanh số trên hóa đơn. Trong khi đó số thuế này người tiêu dùng đã chịu.

Mặt khác số thuế giá trị gia tăng các đơn vị kinh doanh xăng dầu thu được khi xuất bán hóa đơn không phải là nhỏ 5% đối với xăng, 10% đối với dầu, nhưng trong thực tế số thuế thu được có thể là 10% hay 20%...

 
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

Công điện nêu rõ, ngày 13 tháng 6 năm 2019, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong đó quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử áp dụng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022. Thực hiện quy định trên, thời gian qua cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước để phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và thực hiện thành công chiến lược Chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử, còn hiện tượng phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn điện tử bất hợp pháp nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật…
 

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1284/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt cơ quan Thuế các cấp tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

Chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công An và Chủ tịch UBND các địa phương triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với Cơ quan thuế theo quy định; thời hạn hoàn thành trong tháng 12/2023. Phối hợp với các Bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo việc tiếp nhận, kết nối thông tin hóa đơn điện tử của Cơ quan thuế được thông suốt, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế phối hợp cơ quan Công an và các cơ quan liên quan khác tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm theo pháp luật nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

Đối với Bộ Công Thương cần chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu. Phối hợp với cơ quan Thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt đối với lĩnh vực xăng dầu… nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế, ngăn ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu thuế.

Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan tại địa phương (tài chính, công thương, công an, truyền thông, kế hoạch và đầu tư, khoa học công nghệ,…) phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế nắm bắt thực trạng triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, kết nối với cơ quan Thuế của các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại địa phương để tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp quyết liệt thúc đẩy, giám sát các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định.

Tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu tại địa phương và kết nối điện tử với cơ quan Thuế.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang