Thực phẩm nhiễm chất cấm, chợ hóa chất bị siết chặt

author 06:34 25/07/2013

(VietQ.vn) - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ( Bộ Y tế) vừa phát đi thông báo về việc phát hiện một số cơ sở sản xuất bún tươi tại thành phố Hồ Chí Minh sử dụng hóa chất không được phép trong chế biến thực phẩm. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng ra thông báo: Từ 19/7/2013, sẽ siết chặt kinh doanh hóa chất tại địa bàn TP.

Bún tươi bị phát hiện nhiễm chất cấm tại TPHCM
Bún tươi bị phát hiện nhiễm chất cấm tại TPHCM

Bún tươi nhiễm độc

Ngày 24/7, TS Lâm Quốc Hùng - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua kiểm tra phát hiện một số cơ sở sản xuất bún tươi tại TP Hồ Chí Minh sử dụng hóa chất không được phép trong chế biến thực phẩm.

Theo đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã tiến hành lấy 14 mẫu bún tươi (bảy mẫu tại TP Hồ Chí Minh và bảy mẫu tại TP Hà Nội), kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm như Natri sulfit, Natri Benzoate, Foocmol, acid oxalic và hóa chất Tinopal.

Tại TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 7/7 mẫu bún có chất Tinopal, 2/7 mẫu bún có acid Oxalic (chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm) và 1/7 mẫu bún có chất bảo quản Natri Benzoat vượt giới hạn cho phép.

Qua kết quả giám sát nêu trên cho thấy một số cơ sở sản xuất bún tươi tại TP Hồ Chí Minh sử dụng hóa chất không được phép trong chế biến thực phẩm (như chất tẩy trắng Tinopal, acid Oxalic…). Các loại thực phẩm truyền thống (bún, bánh phở, bánh canh tươi…) có nguy cơ ô nhiễm hóa chất không được phép trong chế biến thực phẩm (như chất tẩy trắng Tinopal, acid Oxalic…) ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Được biết, Tinopal là một chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy… vì có màu óng ánh, đẹp. Chất này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm do có khả năng gây ung thư.

Tại TP Hà Nội không phát hiện mẫu nào có sử dụng hóa chất cấm Tinopal, Foocmol và các phụ gia (Natri sulfit, Natri Benzoate) đều trong giới hạn cho phép.
Ông Hùng cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp liên ngành tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất bún tươi vi phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định pháp luật.

Siết kinh doanh hóa chất

Cụ thể từ 19/7/2013, tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế kinh doanh tại chợ Kim Biên và các chợ khác tại TPHCM phải đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện, nếu không sẽ bị buộc ngưng kinh doanh.

Tồn tại hơn 40 năm nay, chợ Kim Biên khá nổi tiếng với việc kinh doanh hóa chất, từ các lọai hóa chất dùng trong công nghiệp, hóa chất dùng trong thực phẩm, đến hóa chất độc hại ...

Theo UBND thành phố, từ ngày 1-8 tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải hướng dẫn cho người kinh doanh đến các sở ngành chức năng để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

Theo đó, trong thời gian 6 tháng các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng hóa chất thuộc danh mục hóa chất kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế kinh doanh thì phải hoàn tất thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Sau thời hạn trên, nếu không có hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì cá nhân, tổ chức kinh doanh hóa chất thuộc diện nói trên sẽ bị buộc phải ngưng kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, để kiểm soát việc buôn bán, sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm hiệu quả, cần tách bạch nơi bán hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm.

Mặt khác, người bán hàng phải có trình độ chuyên môn nhất định để có thể tư vấn, cung cấp thông tin cho người mua như quy đinh kinh doanh thuốc chữa bệnh để hạn chế mức độ thiệt hại mà hóa chất có thể gây ra cho người sử dụng.

H. Thanh (tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang