Hội chứng tự huỷ hoại bản thân: Góc nhìn từ những người trong cuộc

author 10:51 16/02/2023

(VietQ.vn) - Cho đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về hội chứng tự hủy hoại bản thân (HC THHBT). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu chuyên sâu về nhận thức và cách ứng phó với hành vi THHBT của HS THPT, nhất là nghiên cứu được thực hiện từ chính những người trong nhóm tuổi THPT theo cách tiếp cận của người trong cuộc.

Từ thực tế đó, trong thời gian từ tháng 5/2022 đến tháng 2/2023, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu trên 850 khách thể nghiên cứu hiện đang học tại 06 trường THPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội: Trường THPT Phan Đình Phùng, Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, Trường THPT Xuân Phương, Trường THPT Vạn Xuân, Trường THPT Yên Viên. Trên cơ sở tiếp thu kết quả nghiên cứu đã đạt được của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước: Klonsky, E. D, & Glenn, C. R [11,215], PGS.TS Huỳnh Văn Sơn và các cộng sự [5, 51]… và kết quả khảo sát, phân tích thực trạng, nhóm nghiên cứu đã bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận:

1. Khái niệm

Tự huỷ hoại bản thân hay tự gây thương tích, tự cắt, tự rạch, THHBT (tiếng Anh là: self -harm) được tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa là: Hành động không gây nguy hiểm đến tính mạng mà một người có thể thực hiện không thường xuyên và không có sự xen vào của người khác. Chủ thể có thể gây thương tích cho bản thân, cố tình lạm dụng, sử dụng thuốc điều trị quá liều nhằm đạt được thoả mãn tâm lý hay thể chất mà mình mong muốn; là việc cố ý trực tiếp làm tổn thương các mô của cơ thể mà không có ý định tự tử [12]. Như vậy, hiểu một cách khái quát, bản chất, THHBT là mọi hình thức tự làm đau bản thân về thể chất, tinh thần một cách có chủ đích.

Hội chứng THHBT là hội chứng tự làm tổn thương mình bằng cách cố ý gây hại cho bản thân về mặt thể chất (cắt, đập đầu vào một thứ gì đó, đấm vào tường…), về mặt tinh thần (hạ thấp, coi thường giá trị bản thân), tham gia vào hành động nguy hiểm (quan hệ tình dục không an toàn, lạm dụng chất kích thích…), có các mối quan hệ tình cảm lệch lạc, bỏ bê sức khoẻ của bản thân [7].

Hội chứng THHBT của học sinh trung học phổ thông (HS THPT) là hội chứng được chủ thể ở lứa tuổi HS THPT thực hiện, nhằm tự làm tổn thương thể chất, tinh thần của chính mình.

2. Biểu hiện của hội chứng THHBT 

Mỗi quan điểm nghiên cứu đề cập đến những biểu hiện khác nhau về HC THHBT.

Theo Huỳnh Văn Sơn và cộng sự [5, 50], cơ sở quan trọng để xem xét biểu hiện của HC THHBT gồm: (1) HC THHBT hướng đến chính cá thể là chủ yếu; (2) Biểu hiện của HC này tác động và làm tổn hại đến thân thể; (3) Biểu hiện của HC này ảnh hưởng đến cảm xúc cá nhân và bị thúc đẩy bởi cảm xúc cá nhân; (4) HC này có nhiều biểu hiện với các mức độ khác nhau; (5) HC này được chủ thể thực hiện có nhận thức dù rằng sự ý thức cao độ hay tuyệt đối chưa hẳn được đảm bảo. Đây chính là cơ sở để nhóm nghiên cứu kế thừa khi thực hiện đề tài.

Bên cạnh đó, từ việc tiếp thu các kết quả nghiên cứu theo thang đo đã được chuẩn hoá của Klonsky, E. D, & Glenn, C. R [11,215], nhóm nghiên cứu xem xét HC THHBT của HS THPT tập trung ở các biểu hiện: (1) Suy nghĩ tiêu cực, giày vò xem thường bản thân, ghét bỏ bản thân; (2) Ăn uống quá độ, sinh hoạt thất thường; (3) Lạm dụng hoặc sử dụng chất kích thích; (4) Dùng vật sắc nhọn rạch tay, chân; (5) Cào cấu vào các bộ phận trên cơ thể; (6) Đấm tay vào tường; (7) Đập đầu vào các vật cứng; (8) Dùng hóa chất gây bỏng; (9) Tự tát, đánh liên tục vào mặt hoặc bộ phận khác trên cơ thể; (10) Dùng thuốc đang cháy, châm hoặc dí vào người.

Tuy nhiên không phải cá nhân nào có một hay nhiều biểu hiện này là có thể kết luận cá nhân đó đang THHBT. Để kết luận chính xác HS có HC THHBT phải được xem xét một cách toàn diện, dựa trên các căn cứ, đánh giá chuyên môn.

Dựa trên tính chất hành vi, mức nguy hại và khả năng kiểm soát của chủ thể đối với các biểu hiện hay hành động THHBT, các biểu hiện của HCTHHBT được chia thành 03 mức: mức thấp, mức trung bình và mức cao.

Theo các nghiên cứu, có nhiều yếu tố có thể khiến một người chủ đích làm tổn thương cơ thể mình theo cách tiêu cực. Các nguyên nhân đó có thể là: (1) Do áp lực trong học tập; (2) Do đang cố giải toả cảm xúc tiêu cực, giảm bớt nỗi đau tinh thần; (3) Do cảm thấy bị cô lập, bị bỏ rơi, kỳ thị; (4) Do tự ti về bản thân; (5) Rất mong muốn được giúp đỡ và tìm kiếm sự quan tâm của người thân; (6) Do tìm thấy sự cổ vũ, hướng dẫn THHBT trên các trang mạng xã hội, nhóm bạn; (7) Do chủ thể mắc bệnh lý tâm thần không làm chủ được nhận thức.

Biểu đồ về những yếu tố ảnh hưởng. 

3. Biện pháp ứng phó với HC THHBT của HS THPT

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức, khả năng phòng ngừa, ứng phó hội chứng THHBT từ phía bản thân HS, gia đình, nhà trường, xã hội, trong đó tập trung vào các biện pháp sau:

- Nhóm biện pháp phòng ngừa HC THHBT (hướng tới tất cả các nhóm đối tượng: học sinh, phụ huynh, GV và các lực lượng tham gia giáo dục).

Nhận thức là yếu tố nền tảng để phòng ngừa HC THHBT. Vì vậy, cần chú trọng vào các hoạt động nâng cao nhận thức như: Truyền thông qua mạng xã hội (facebook, zalo), website, các phương tiện truyền thông của trường; xây dựng cẩm nang, tài liệu phát miễn phí cho HS, GV, phụ huynh trong trường; nói chuyện chuyên đề trong các cuộc họp với phụ huynh; lồng ghép, tích hợp các nội dung đó trong sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi và phát triển năng lực ứng phó với hành vi THHBT cho HS THPT.

- Nhóm biện pháp hỗ trợ HS có biểu hiện HC THHBT ở mức nguy cơ.

Thông qua các hoạt động ở nhóm giáo dục đồng đẳng (hoạt động này được thực hiện bởi chính nhóm HS triển khai đề tài và các HS tham gia) để hỗ trợ kịp thời các bạn HS đang gặp khó khăn trong cuộc sống và có nguy cơ đối mặt với vấn đề THHBT. Các thành viên chủ chốt của CLB sẽ phối hợp cùng nhóm chuyên gia, cố vấn của nghiên cứu trong việc tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ, tổ chức sinh hoạt chuyên đề về phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần cho HS.

- Nhóm biện pháp can thiệp với những HS đang gặp phải vấn đề THHBT ở mức độ nghiêm trọng như: lạm dụng chất kích thích, tự làm đau cơ thể… Với nhóm biện pháp này, nhóm HS nòng cốt của CLB 2S đóng vai trò là những người phát hiện các HS đang gặp vấn đề; thông qua hình thức tư vấn cá nhân ở CLB, phòng tham vấn tâm lý giúp HS đang gặp phải vấn đề THHBT bước đầu nhận diện các biểu hiện, hậu quả của HC THHBT; kết nối các HS cần can thiệp với cán bộ tâm lý học đường của nhà trường và các chuyên gia.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhà trường, gia đình, các cấp, các ngành, cơ quan quản lý, các tổ chức cá nhân, đặc biệt là mỗi HS cần tự giác tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về HC THHBT, suy nghĩ và sống tích cực để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của HC này trong học tập và cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng cuộc sống. Trong đó, mô hình giáo dục đồng đẳng - HS triển khai và hỗ trợ cho chính HS là một trong những biện pháp tích cực, đã lan toả rộng khắp trong các nhà trường, gia đình, thúc đẩy nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ HS phòng ngừa và giải quyết, khắc phục hậu quả của HC này trong thực tiễn.  

TS. Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Trường ĐHSP Hà Nội

Nguyễn Công Phúc Minh - Lớp 11D2 Trường THPT Phan Đình Phùng

Thân Quốc Hưng - Lớp 12 Chuyên Sử Trường THPT Chu Văn An

----------------

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Mạnh Hà và CS (2022), Sổ tay hướng dẫn tư vấn tâm lý cho HS phổ thông, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 

2. Phạm Hồng Tung (2011), Về đặc điểm và xu hướng chủ yếu trong lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội. 

3. Phạm Tiến Công, (2012), Thực trạng hành vi lệch chuẩn xã hội ở học sinh THCS Tp. Bạc Liêu - Tỉnh Bạc Liêu, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh. 

4. Lý Minh Tiên, Nguyễn Thị Tứ (Chủ biên, 2012), Giáo trình Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

5. Huỳnh Văn Sơn và CS (2018), Hành vi THHBT của học sinh THCS, NXB ĐHSP TP PHCM. 

6. Mai Mỹ Hạnh (2022), “Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam Việt Nam”, Hội thảo khoa học chăm sóc sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

7. bacsicau.vn/ban-biet-gi-ve-hoi-chung-tu-huy-hoai-ban-2.html.

8. https://topit.vn/download/ebook-tam-ly-hoc-lua-tuoi-va-tam-ly-hoc-su-pham.S2wF.html

9. Davis, Jeanie Lerche. “Cutting and Self-Harm: Warning Signs and Treatment”. WebMD (Bản truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2018).

10. Greydanus DE, Apple RW: (2011), Mối quan hệ giữa hành vi tự gây tổn thương, sự không hài lòng về cơ thể và tự sát ở thanh thiếu niên: Các khái niệm hiện tại. J Multidiscip Healthc 4:183-189, 2011. 

11. Klonsky, E. D., & Glenn, C. R. (2009). Assessing the functions of non-suicidal self-injury: Psychometric properties of the Inventory of Statements About Self-injury (ISAS). Journal of psychopathology and behavioral assessment, 31(3), 215–219.

12. Mayo Clinic Staff. “Self-injury/cutting”. Mayo Clinic. Mayo Foundation for Medical Education and Research (MFMER) (Bản truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2018).

13. Platt et al. (1992 ) (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK56398/). 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang