Tiền Giang: Thanh tra đo lường trong kinh doanh vàng trang sức, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước

author 06:27 05/07/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, Chi cục TCĐLCL tỉnh Tiền Giang đã thanh tra thực tế 31 cân phân tích của 29 cơ sở sử dụng trong hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Kết quả cho thấy 29/29 cơ sở thực hiện đúng quy định về đo lường trong kinh doanh vàng, cụ thể: 31/31 cân phân tích có phạm vi đo và độ chính xác phù hợp quy định và được kiểm định đúng quy định, chứng chỉ kiểm định còn hiệu lực; 29/29 cơ sở có thực hiện định kỳ tự kiểm tra, lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra định kỳ cân; 29/29 phép đo khối lượng vàng được kiểm tra có sai số của kết quả phép đo nằm trong giới hạn sai số cho phép.

Nhằm đảm bảo công bằng trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong mua sắm các sản phẩm, hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ và thực hiện công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng tại địa phương, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Tiền Giang đã triển khai thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ đối với 29 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh theo danh sách được phê duyệt tại Quyết định số 247/QĐ-SKH&CN ngày 14/12/2021 của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra năm 2022 của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Chi cục đã tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; Quyết định số 1550/QĐ-BKHCN ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ.

Việc thanh, kiểm tra nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. (ảnh minh họa)

Kết quả về đo lường, Chi cục đã thanh tra thực tế 31 cân phân tích của 29 cơ sở sử dụng trong hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Kết quả cho thấy 29/29 cơ sở thực hiện đúng quy định về đo lường trong kinh doanh vàng, cụ thể: 31/31 cân phân tích có phạm vi đo và độ chính xác phù hợp quy định và được kiểm định đúng quy định, chứng chỉ kiểm định còn hiệu lực; 29/29 cơ sở có thực hiện định kỳ tự kiểm tra, lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra định kỳ cân; 29/29 phép đo khối lượng vàng kiểm tra có sai số của kết quả phép đo nằm trong giới hạn sai số cho phép.

Về chất lượng, thanh tra thực tế 83 hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ của 29 cơ sở. Kết quả cho thấy 29/29 cơ sở thực hiện đúng quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng và 27/29 cơ sở thực hiện đúng quy định về ghi nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ, cụ thể: 81 hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ được ghi nhãn đúng quy định.

Chi cục đã ban hành 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ với tổng số tiền xử phạt là 17.000.000 đồng. Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa vi phạm là 49.800.000 đồng.

Thông qua hoạt động thanh tra, Chi cục đã tuyên truyền trực tiếp quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ (Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ) cho 29 cơ sở được thanh tra nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

 Cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng vàng.

Qua kết quả thanh tra, nhận thấy phần lớn cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đã thực hiện tốt quy định về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ như sử dụng phương tiện đo có phạm vi đo và độ chính xác phù hợp quy định trong kinh doanh vàng; phương tiện đo được kiểm định theo quy định;

Cơ sở có thực hiện định kỳ tự kiểm tra, lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra định kỳ cân của cơ sở; các phép khối lượng vàng đều nằm trong giới giới hạn sai số cho phép và cơ sở đã thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với các hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên vẫn còn một vài cơ sở vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa mà nguyên nhân là do các cơ sở chủ quan chưa ghi nhãn đính kèm hàng hóa trước khi trưng bày bán cho khách hàng. Trong năm 2023, Chi cục sẽ tiếp tục triển khai công tác thanh tra đối với lĩnh vực vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Thành Lợi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang