Tìm cơ hội trong thách thức

author 06:30 30/08/2021

(VietQ.vn) - Dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các thị trường ngách, nắm bắt giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực.

Dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội để phát triển. Ảnh minh họa.

Nhiều doanh nghiệp đang “đuối sức”

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trong đó có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Riêng TP. Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường tính từ đầu năm đến nay, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ. "Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Đánh chú ý, nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid -19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp đang “đuối sức”, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các doanh nghiệp lao đao về tài chính do không thu được tiền bán hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Nhiều đơn hàng bị hủy, quy mô sản xuất giảm trong khi tích lũy vốn của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế…

Thích nghi để phát triển

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đã có nhiều doanh nghiệp thích nghi bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các thị trường ngách, nắm bắt giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này.

“Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen nhu cầu của bạn hàng và khách hàng. Các doanh nghiệp đã xác định và nhận thức được phải chuyển đổi, từ việc tương tác khách hàng với bạn hàng trực tiếp sang hình thức trực tuyến, bán hàng online trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, lách vào những thị trường nhỏ nhưng đầu ra tương đối đảm bảo, đây cũng là động lực từ hoạt động kinh doanh giúp doanh nghiệp tiếp tục tồn tại”, ông Nam chia sẻ.

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhận định, nhìn lại hơn 1 năm qua cho thấy, sự chuyển dịch của doanh nghiệp rất nhanh, bắt đầu từ chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Cụ thể, như trước đây, dù chưa từng hoạt động trong lĩnh vực y tế, sản xuất khẩu trang, bảo hộ, dung dịch sát trùng, sát khuẩn… nhưng nhiều doanh nghiệp nhanh chóng xoay chuyển tình thế, không chỉ cung ứng đủ hàng hoá phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng ở hàng loạt doanh nghiệp. Rõ ràng, Việt Nam có cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0 khi nhiều doanh nghiệp chuyển sang phương thức tiếp cận thị trường bằng công nghệ, giới thiệu, kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng số, không dừng lại ở tiêu thụ trong nước, mà vươn ra bắt tay, kết nối với bạn hàng nước ngoài để duy trì xuất khẩu.

“Bản thân các doanh nghiệp phải nhìn nhận được trong thách thức có những cơ hội, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì các doanh nghiệp phải tìm cách chuyển đổi công nghệ sản xuất, quy trình công nghệ, hướng đầu tư của mình để thế chân vào được những khâu thiếu hụt của chuỗi cung ứng trên thế giới.

Từ đó, cũng để chúng ta không quá lệ thuộc vào chuỗi cung ứng đó. Với thị trường trăm triệu dân trong nước là rất lớn, đây chính là điều kiện để cho doanh nghiệp Việt Nam giữ vững chân thị trường trong nước, cùng với đó nâng cao trình độ để sẵn sàng tạo ra sản phẩm đáp ứng được với thị trường thế giới”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang