Trung Quốc giăng ‘thiên la địa võng’ quây tàu Mỹ ở Biển Đông

author 16:58 06/03/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, số lượng tàu Trung Quốc bao quanh nhóm tàu Mỹ làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông đang ở mức cao chưa từng thấy.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, bản tin của Hạm đội 7 Mỹ ngày 4/3/2016 cho biết nhóm tàu sân bay tấn công John C. Stennis đang tuần tra trên Biển Đông từ ngày 1/3 sau khi từ biển Philippines (phía Bắc Biển Đông) tiến vào, với lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay cho một cuộc tuần tra tương tự như vậy.

Hải quân Mỹ tăng cường điều tàu sân bay tuần tra vùng biển tranh chấp trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay

Hải quân Mỹ tăng cường điều tàu sân bay tuần tra vùng biển tranh chấp trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh USNavy

Nhóm tàu này gồm tàu sân bay hạt nhân USS John C. Stennis, hộ tống là các tàu khu trục USS Chung-Hoon (DDG 93), USS Stockdale (DDG 106), tuần dương hạm USS Mobile Bay (CG 53), tàu chỉ huy của Hạm đội 7 là USS Blue Ridge, và tàu tiếp tế USNS Rainier. Riêng máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, thuộc Không đoàn tàu sân bay số 9, đã tiến hành 266 phi vụ cất và hạ cánh trong thời gian tuần tra Biển Đông.

Cùng lúc đó diễn ra cuộc tuần tra khác ở Biển Đông do tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam từ căn cứ ở Nhật Bản tiến xuống. Ngày 4/3, tàu chỉ huy USS Blue Ridge đã ghé vào cảng Manila thăm hữu nghị Philippines.

Chỉ huy tàu sân bay USS John C. Stennis, ông Greg Huffman cho biết nhóm tàu sân bay của ông đang ở trên một khu vực vùng biển quốc tế phía Đông Biển Đông trong vòng 4 ngày tuần tra này. Bao quanh nhóm tàu Mỹ là lực lượng hùng hậu các tàu của hải quân Trung Quốc bám sát mấy ngày nay.

“Số tàu Trung Quốc xung quanh chúng tôi nhiều tới mức tôi chưa từng thấy so với bình thường trước đây”, chỉ huy Greg Huffman nói. Ông Huffman từng tham gia tuần tra ở Biển Đông vào năm 2007. Tuy vậy giao tiếp liên lạc giữa hai bên được chỉ huy Huffman đánh giá là tốt: “Mọi thứ tôi nghe được qua kênh liên lạc giữa các đài chỉ huy các tàu đôi bên là thông tin tốt giữa các thuỷ thủ chuyên nghiệp”.

Được biết những tháng gần đây, tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ liên tục tiến hành các đợt tuần tra trên Biển Đông trong bối cảnh tình hình khu vực đang ‘nóng’ hơn bao giờ hết vì các hoạt động gây hấn của Trung Quốc. Ngày 30/1, tàu khu trục USS Curtis Wilbur đã di chuyển vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Máy bay trinh sát E/A-18G Growler cất cánh khỏi tàu sân bay USS John C. Stennis trên Biển Đông ngày 4/3/2016

Máy bay trinh sát E/A-18G Growler cất cánh khỏi tàu sân bay USS John C. Stennis trên Biển Đông ngày 4/3/2016. Ảnh USNavy

Ngày 22/2, khu trục hạm USS McCampbell cũng có chuyến tuần tra ở Biển Đông. Mới nhất là chuyến tuần tra của tàu đổ bộ USS Ashland khi trên đường từ Thái Lan về căn cứ ở Nhật Bản ngày 26/2. Trước đó trong năm 2015, nhiều tàu chiến khác của Mỹ cũng liên tục tuần tra Biển Đông như tàu khu trục USS Lassen, USS Preble, USS McCampbell, tàu đổ bộ tấn công USS Essex, tàu tuần dương USS Chancellorsville, tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth.

Tư lệnh Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ ngày 3/3 nói với Navy Times rằng: “Trong năm 2015, tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đã có hơn 700 ngày di chuyển trên Biển Đông. Tàu và máy bay của chúng ta hoạt động thường lệ suốt vùng biển Tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, và đã duy trì hàng thập niên nay”.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên Dân Trí, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan mới đây cho biết nước này đang nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại Biển Đông bằng một đề xuất tạm thời để tránh các vụ va chạm không đáng có dẫn tới xung đột ở vùng biển đang có tranh chấp này.

Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN, gồm Brunei, Việt Nam và Philippines, đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan cho rằng dù không liên quan trực tiếp đến vấn đề chủ quyền ở vùng biển này nhưng Singapore hy vọng có thể đóng vai trò trung gian trong việc thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Singapore cũng đề xuất mở rộng Bộ quy tắc về những vụ chạm trán ngoài kế hoạch trên biển (CUES) đối với các quốc gia liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Balakrishnan cho rằng: "Ở góc độ nào đó, cần có một số quy định về việc can dự nhằm ngăn chặn những vụ va chạm đáng tiếc vốn có thể dẫn tới căng thẳng và xung đột trên biển. Và chúng tôi đề nghị mở rộng CUES với cả tàu của hải quân và lực lượng tuần duyên các nước".

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đề xuất một giải pháp tạm thời nhằm hạ nhiệt tình hình Biển Đông hiện nay

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đề xuất một giải pháp tạm thời nhằm hạ nhiệt tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh StraitTimes

Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết Trung Quốc đã ám chỉ tới việc CUES là một ý tưởng đáng để thử nghiệm nhưng ông cũng thừa nhận đây không phải là ý tưởng mới. Theo đó, CUES là ý tưởng xuất phát từ Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương, nơi tổ chức các cuộc họp giữa những quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương nhằm thảo luận về những vấn đề liên quan tới hải quân.

 Ông cho rằng câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc và ASEAN có thể mở rộng ý tưởng này và xây dựng niềm tin, cũng như tiếp tục tiến hành cuộc tham vấn để hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. "Singapore sẽ đóng vai trò như một cầu nối nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hoà bình giữa các bên có quan điểm không tương đồng", Ngoại trưởng Balakrishnan khẳng định.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang