TP.HCM: Nhiều chợ bán hóa chất tạo màu, chất tẩy thực phẩm không rõ nguồn gốc

author 19:15 23/10/2023

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận hiện nay tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM vẫn rao bán những loại hóa chất tạo màu, chất tẩy thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nguy hại không nhỏ cho người tiêu dùng.

Phẩm màu thực phẩm giá rẻ bán tran lan tại nhiều chợ ở TP.HCM

Theo ghi nhận từ báo Tuổi Trẻ, mặc dù được cảnh báo nguy hại với sức khỏe nếu dùng không đúng liều lượng, nhiều chợ ở TP.HCM như chợ Thủ Đức, chợ Bà Chiểu, chợ Tân Bình, chợ Nhật Tảo..., nhiều tiểu thương rao bán các loại phẩm màu thực phẩm dưới dạng bột hoặc dạng nước không rõ nguồn gốc.

Những chất này có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn gồm đủ màu sắc như đỏ, cam, vàng, xanh... Nhiều loại không ghi rõ thành phần hóa chất, hướng dẫn liều dùng.

Khi được hỏi cách dùng và liều lượng ra sao, nhiều người bán cho hay chỉ cần hòa tan các chất này với nước và cho vào thực phẩm muốn tạo màu gì sẽ thành màu đó, càng đổ nhiều màu càng ra màu đẹp.

Ngoài các chất tạo màu, một tiểu thương tại chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM) cầm bịch bột màu trắng tương tự như bột mì khoảng 1kg, không nhãn mác, giới thiệu cho khách là chất tẩy trắng thực phẩm. Theo lời quảng cáo, loại chất này có tác dụng tẩy trắng bún hoặc để ngâm rau muống, bắp chuối bào với giá 40.000 đồng/kg. 

Thực tế gần đây, một số bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện, nguy hiểm đến tính mạng vì dùng quá liều chất tạo màu thực phẩm. Cụ thể, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nữ (44 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu. Qua khai thác bệnh sử của bệnh nhân, bệnh nhân cho biết có mua 100g bột màu thực phẩm có màu đỏ tươi (còn gọi là bột mai quế lộ) ở chợ.

Sau đó đã trộn hơn 50 gam bột với thịt lợn xay và gói nem rán. Bệnh nhân và hai con ăn nem trong ba bữa trưa liên tiếp. Sau ăn bữa cuối hai ngày, người mẹ thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu, sau đó phải nhập viện. Người con trai thứ hai của bệnh nhân (12 tuổi) cũng trong tình trạng tương tự và cũng phải nhập viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho hay mẫu bột màu thực phẩm được xét nghiệm phát hiện thấy có axit orange 7. Đây là loại hóa chất dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Với liều cao trên động vật có thể gây tan máu và ngộ độc methemoglobin (huyết sắc tố vận chuyển và phân phối oxy cho cơ thể).

Trước đó, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân ở Hà Nội bị tan máu cấp, ngộ độc methemoglobin sau khi ăn món thịt bò nấu với bột sốt vang màu đỏ mua ở chợ. Mẫu bột phẩm màu mà bệnh nhân dùng có hóa chất axit orange 7, hàm lượng 20%.

Nguy hại từ chất tẩy, chất tạo màu thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc

PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các chất tẩy trắng thực phẩm hiện nay đa số được làm từ natri sunfit (Na2SO3) và nhiều chất khác, chủ yếu là những loại có giá thành rẻ. Các hóa chất này có thể dùng để rửa thực phẩm, thế nhưng phải dùng đúng liều lượng theo quy định Bộ Y tế.

Sau khi tẩy trắng thực phẩm, nếu rửa sạch sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, nếu không rửa sạch thì lượng hóa chất tồn dư trong thực phẩm có thể gây nhiễm độc cho người dùng sau khi sử dụng.

Theo PGS Thịnh, những sản phẩm chất tẩy, chất tạo màu thực phẩm không có nhãn mác, bao bì hiện được rao bán tại các khu chợ truyền thống chủ yếu là sản phẩm sản xuất ở quy mô nhỏ hoặc sản phẩm trôi nổi được nhập từ nước ngoài. Những sản phẩm này thường không ghi rõ thời hạn sử dụng, liều lượng... rất nguy hiểm với sức khỏe.

PGS Thịnh cho hay địa phương cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, hướng dẫn với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ để tuân thủ theo quy định. Đặc biệt là tăng cường hình thức xử phạt nặng với những cơ sở cố tình sai phạm. Phía người dân cần kiểm tra rõ nhãn mác nếu có nhu cầu sử dụng phẩm màu.

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết các loại hóa chất phẩm màu nhuộm hoặc tẩy thực phẩm có thể gây ngộ độc hoặc gây tổn thương đến các cơ quan như gan, thận..., nếu sử dụng quá liều lượng cho phép hoặc sử dụng các chất không được phép của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Thông tin thêm về mức độ nguy hại từ các chất tạo màu thực phẩm, Bệnh viện Vinmec cho biết, năm 1973, một bác sĩ chuyên ngành dị ứng nhi khoa đã tuyên bố rằng sự hiếu động và các vấn đề học tập ở trẻ em là do chất tạo màu thực phẩm nhân tạo và chất bảo quản thực phẩm. Tương tự, nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy loại bỏ chất tạo màu thực phẩm nhân tạo ra khỏi chế độ ăn cùng với chất bảo quản là natri Benzoat làm giảm đáng kể các triệu chứng hiếu động ở trẻ. Hay một nghiên cứu khác cũng cho thấy chất tạo màu thực phẩm cùng với natri benzoat làm tăng tính hiếu động ở trẻ 3, 8 và 9 tuổi.

Ngoài ra, nghiên cứu về Tartrazine, còn được gọi là màu vàng số 5, cũng có liên quan đến những thay đổi hành vi bao gồm: khó chịu, bồn chồn, trầm cảm và khó ngủ.

Hiện nay sự an toàn của chất tạo màu thực phẩm nhân tạo vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá sự an toàn của chất này là nghiên cứu trên động vật dài hạn. Khi thực hiện các nghiên cứu sử dụng chất tạo màu xanh số 1, màu đỏ số 40, màu vàng số 5 và màu vàng 6 thì kết quả không tìm thấy bằng chứng nào có tác dụng gây ra ung thư. Tuy nhiên, các chất tạo màu khác có thể có liên quan nhiều hơn.

Một nghiên cứu trên động vật với màu xanh số 2 cho thấy khối u não tăng đáng kể ở nhóm dùng liều cao so với nhóm đối chứng. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn kết luận rằng không có đủ bằng chứng để xác định liệu màu xanh số 2 có gây ra khối u hay không. Hơn nữa, các nghiên cứu khác về màu xanh số 2 không tìm thấy tác dụng phụ.

Erythrosine, còn được gọi là chất tạo màu đỏ số 3, là chất gây tranh cãi nhiều nhất. Trong nghiên cứu trên chuột đực với chất tạo màu đỏ số 3 được cho là erythrosine có nguy cơ tăng khối u tuyến giáp. Dựa vào kết quả của nghiên cứu này, FDA đã ban hành lệnh cấm một phần đối với erythrosine vào năm 1990, nhưng sau đó đã gỡ bỏ lệnh cấm. Bởi vì khi xem xét các kết quả nghiên cứu, họ kết luận rằng các khối u tuyến giáp không phải do trực tiếp gây ra bởi erythrosine. Ở Mỹ, chất tạo màu đỏ số 3 hầu hết đã được thay thế bằng màu đỏ số 40, nhưng nó vẫn được sử dụng trong rượu anh đào, kem và kẹo dẻo.

Một số chất tạo màu thực phẩm có thể gây phản ứng dị ứng. Trong nhiều nghiên cứu, chất tạo màu vàng số 5 - còn được gọi là tartrazine - đã được chứng minh là gây ra các triệu chứng nổi mề đay và hen suyễn. Đồng thời, những người bị dị ứng với aspirin dường như cũng dễ bị dị ứng với màu vàng số 5.

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện ở những người bị nổi mề đay mãn tính hoặc sưng cho kết quả với 52% có phản ứng dị ứng với chất tạo màu thực phẩm nhân tạo. Hầu hết các phản ứng dị ứng sẽ không đe dọa đến sức khoẻ và tính mạng. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng dị ứng, nên loại bỏ chất tạo màu thực phẩm nhân tạo khỏi chế độ ăn.

Quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm

Theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. 

Tại Điều: Sử dụng phụ gia thực phẩm trong thực phẩm phải bảo đảm: Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; Không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.

Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm theo các yêu cầu dưới đây trong trường hợp các yêu cầu này không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế và công nghệ:

Duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đối với sản phẩm được sử dụng với mục đích đặc biệt mà phụ gia thực phẩm như một thành phần thực phẩm (ví dụ đường ăn kiêng) thì không phải kiểm soát theo các quy định tại Thông tư này;

Tăng cường việc duy trì chất lượng hoặc tính ổn định của thực phẩm hoặc để cải thiện cảm quan nhưng không làm thay đổi bản chất hoặc chất lượng của thực phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng;

Hỗ trợ trong sản xuất, vận chuyển nhưng không nhằm che giấu ảnh hưởng do việc sử dụng các nguyên liệu kém chất lượng hoặc thực hành sản xuất, kỹ thuật không phù hợp.

Phụ gia thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn thực phẩm theo các văn bản được quy định như sau: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tiêu chuẩn quốc gia trong trường hợp chưa có các quy định tại điểm a khoản này; Tiêu chuẩn của CAC, JECFA, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trong trường hợp chưa có các quy định tại các điểm a, b khoản này; Tiêu chuẩn của nhà sản xuất trong trường hợp chưa có các quy định tại các điểm a, b, c khoản này.

Ngoài việc phụ gia thực phẩm có trong thực phẩm do được sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm còn có thể có trong thực phẩm do được mang vào từ các nguyên liệu hoặc thành phần để sản xuất thực phẩm đã có chứa phụ gia thực phẩm và phải tuân thủ quy định tại Điều 9 Thông tư này.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang