Trí tuệ nhân tạo thúc đẩy ngành dược phẩm phát triển vượt bậc trong tương lai

author 12:18 23/01/2024

(VietQ.vn) - Trong những năm gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tân tiến đã được ứng dụng trong ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu, từ đó, đã thúc đẩy nhanh tiến trình bào chế các loại thuốc mới.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dược phẩm toàn cầu đã đầu tư ngày càng nhiều vào các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ví dụ như: Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Mỹ là Bristol-Myers Squibb, vào năm 2021, đã ký thỏa thuận hợp tác với Exscientia, với kế hoạch cấp tổng cộng hơn 1 tỷ USD vốn để nghiên cứu và tiến tới sử dụng các dịch vụ của công ty công nghệ này.

Microsoft vào năm 2019 cũng thông báo hợp tác với tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ, để đẩy nhanh việc sử dụng AI trong mỗi giai đoạn của tiến trình bào chế một loại thuốc mới. Thỏa thuận giữa hai tập đoàn này có thời hạn là 5 năm.

Tập đoàn dược phẩm Pháp Sanofi cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng AI không chỉ trong khâu nghiên cứu, mà cả trong khâu thương mại hóa. Trong bản thông cáo được công bố ngày 13/6, nhân Triển lãm công nghệ VivaTech Paris 2023, Tổng giám đốc của Công ty dược phẩm Pháp lớn thứ 5 thế giới về bán thuốc theo đơn - Sanofi, Paul Hudson, cho biết tham vọng của họ là trở thành tập đoàn dược phẩm đầu tiên sử dụng AI ở quy mô lớn, trang bị cho các nhân viên những công cụ và công nghệ giúp họ đưa ra những quyết định tốt nhất.

Theo lời ông Hudson, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu đã trợ giúp rất nhiều cho Sanofi trong các lĩnh vực như phát hiện các thuốc mới, cải thiện hiệu quả của các thử nghiệm lâm sàng, sản xuất và cung ứng thuốc, vaccine.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh của Pháp được phủ sóng toàn cầu - RFI tại Triển lãm công nghệ VivaTech, ông Emmanuel Frenehard, đặc trách các sản phẩm kỹ thuật số của tập đoàn Sanofi, chia sẻ: “Trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng từ lâu. Đúng là ChatGPT đã khiến người ta chú ý thêm đến trí tuệ nhân tạo tạo sinh, nhưng tập đoàn Sanofi đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực. Nhiệm vụ của Sanofi là tìm ra phép màu của khoa học để cải thiện chất lượng sống của con người. Phép màu đó là những phân tử mới, những loại thuốc mới”.

Trong những năm gần đây, AI đã được ứng dụng trong ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu, từ đó, đã thúc đẩy nhanh tiến trình bào chế các loại thuốc mới. Ảnh minh họa

Ông nói thêm: “Chúng tôi sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn trong AI tạo sinh để tìm ra những mục tiêu phân tử, chế ra những phân tử mới hiện chưa có. Con số các phân tử chưa được tìm ra nhiều hơn cả số ngôi sao trong vũ trụ. Tiếp đến chúng tôi dùng AI để mô phỏng tác dụng của thuốc trên con người, trước khi tiến hành thử nghiệm thật sự trên cơ thể con người”.

Việc sử dụng AI trong chuỗi cung ứng của Sanofi đã chứng minh khả năng của công nghệ giúp dự đoán được chính xác tới 80% hiệu quả, hỗ trợ các ê kíp thực hiện các biện pháp để bảo đảm tính liên tục của chuỗi cung ứng. Ngay cả trong việc thương mại hóa, trí tuệ nhân tạo được sử dụng để giúp các nhân viên quảng bá thuốc làm việc hiệu quả hơn, giúp các nhân viên y tế chữa trị bệnh nhân tốt hơn.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu trong tương lai, tại các viện bào chế có còn các nhân viên mặc áo blouse trắng ngồi trước kính hiển vi, chăm chú nghiên cứu những phân tử mới cho các loại thuốc mới, hay mọi thứ đều sẽ do trí tuệ nhân tạo đảm trách?

Điều này sẽ không xảy ra, bởi thực tế vẫn còn nhiều khó khăn lớn trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho việc bào chế thuốc. Thứ nhất là việc tiếp cận các dữ liệu có thể khai thác được. Tiếp đến là phải tìm cho ra các chuyên gia tương lai, vừa giỏi về AI, vừa có kiến thức chuyên môn về dược phẩm học. Mặt khác, các tập đoàn dược phẩm có quy mô rất lớn và mọi thay đổi quan trọng về cách thức nghiên cứu và phát triển sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, ở nhiều cấp độ. Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Rất khó mà thuyết phục tất cả cùng chấp nhận một phương pháp làm việc hoàn toàn mới”.

Dù sao thì máy móc sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người, nhất là trong một lĩnh vực hệ trọng đối với sức khỏe nhân loại. Như giải thích của Tiến sỹ Heba Sailem, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo y sinh học tại Đại học King ở London, tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghiệp dược phẩm là rất lớn. Nhưng ngành này không nên vội vã, mà phải thi hành các biện pháp nghiêm ngặt, trước khi dựa vào kết quả dự báo do AI đưa ra.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang