Trung Quốc tung tàu chiến ‘đội lốt’ tàu cảnh sát biển ra Biển Đông

author 06:38 04/12/2014

(VietQ.vn) - Trung Quốc dự kiến triển khai tàu hải cảnh có nguồn gốc từ tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 và gấp rút chế tạo tàu lớp 10.000 tấn để đưa tới Biển Đông và Hoa Đông...

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông trên báo chí, những hình ảnh tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển (Cảnh sát biển) Trung Quốc đang được chế tạo ở nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, Quảng Châu đã xuất hiện trên các trang mạng quân sự của Trung Quốc, thân tàu rõ ràng có nguồn gốc từ tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Giang Đảo Type 056.

Được biết, nhà máy đóng tàu Hoàng Phố đã chế tạo 5 chiếc trong số 17 chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056, tàu này bắt đầu biên chế cho Hải quân Trung Quốc vào tháng 2 năm 2013. Nhà máy đóng tàu này cũng đã chế tạo rất nhiều tàu hải cảnh (tàu cảnh sát biển).

Tàu hộ vệ “Triều Châu” Type 056 của Hải quân Trung Quốc nhằm tăng cường tác chiến trên Biển Đông

Tàu hộ vệ “Triều Châu” Type 056 của Hải quân Trung Quốc nhằm tăng cường tác chiến trên Biển Đông. Ảnh minh họa

Thân tàu hộ vệ Type 056 dài 90 m, lượng giãn nước khoảng 1.500 tấn. Tuy nhiên, tàu cảnh sát biển sẽ không có pháo 76 mm, tên lửa chống hạm và tên lửa hạm đối không tầm ngắn cùng với hệ thống vũ khí khác, cho nên, lượng giãn nước có thể sẽ nhỏ hơn.

Tàu này sử dụng động cơ diesel hoàn toàn, tốc độ cao nhất dự kiến là khoảng 25 hải lý/giờ. Mặc dù ngoại hình tàu này tương tự tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056, nhưng kết cấu tầng trên có sự khác biệt rõ rệt. Đài chỉ huy và cột buồm chính hơi dịch về phía đuôi tàu, trước đài chỉ huy có lắp một giàn cao chưa rõ dùng để làm gì.

Sàn tàu dành cho máy bay hầu như giữ lại, có thể cất hạ cánh một chiếc máy bay trực thăng có kích cỡ như Z-9, nhưng, tàu cảnh sát biển này và tàu chiến Type 056 đều không có nhà chứa máy bay. Phần trước sàn tàu máy bay ở mạn trái và mạn phải đều có cần trục cỡ lớn, ở đây có thể đặt thuyền bơm hơi hoặc thuyền cỡ nhỏ khác.

Giới quan sát quốc tế nhận định, mặc dù Cảnh sát biển Trung Quốc có không ít tàu chiến nghỉ hưu của Hải quân Trung Quốc, nhưng lựa chọn thân tàu chiến để chế tạo một tàu cảnh sát biển vẫn hơi gây bất ngờ, bởi vì, việc chế tạo tàu hải quân thường có chi phí khá cao.

Tuy nhiên, số lượng và tiến độ chế tạo tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 cho thấy, Hải quân Trung Quốc hài lòng với tính năng của tàu này. Hiện nay, vẫn chưa rõ, Cảnh sát biển Trung Quốc cần bao nhiêu loại tàu này, nếu số lượng không nhiều, căn cứ vào phương án đã đưa ra để cải tạo hoàn toàn có lợi hơn so với thiết kế lại hoàn toàn.

Ngoài ra, một lợi ích khác từ sử dụng thiết kế tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 của Cảnh sát biển Trung Quốc là có thể tăng cường tính thông dụng của hệ thống được Hải quân Trung Quốc sử dụng, từ đó nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần và giảm chi phí bảo trì.

Trung Quốc rất có thể sẽ đưa tàu cảnh sát biển 10.000 tấn tới Biển Đông và Hoa Đông

Trung Quốc rất có thể sẽ đưa tàu cảnh sát biển 10.000 tấn tới Biển Đông và Hoa Đông. Ảnh Giáo Dục

Theo nhận xét của hầu hết các nhà phân tích, tàu cảnh sát biển này được chế tạo cho bộ phận hải quan - Cảnh sát biển Trung Quốc. Thân tàu này rõ ràng thích hợp hơn với vùng biển gần chứ không phải là vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, đối với lực lượng chống buôn lậu hải quan, tàu này đã đủ lớn rồi, có thể còn có nhu cầu tiến hành trinh sát có hiệu quả hơn và tăng cường năng lực chỉ huy và kiểm soát.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc cũng đang tiếp tục triển khai kế hoạch chế tạo tàu mới khổng lồ. Theo đó, lực lượng này chế tạo 1 chiếc tàu cảnh sát biển lớp 10.000 tấn và có thông tin cho rằng, tàu cảnh sát biển lớp 10.000 tấn thứ hai đang chế tạo ở nhà máy đóng tàu Trường Hưng Đảo, Thượng Hải có tiến triển thuận lợi. Giới chuyên gia cảnh báo, những con tàu lớn này của Cảnh sát biển rất có thể triển khai ở các vùng biển như biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong một diễn biến khác, hiện Ấn Độ đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa hải quân nhằm đối phó với hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông, ông Arun Prakash, cựu chỉ huy hải quân Ấn Độ cho biết, “Ấn Độ đang thiếu nhiều tàu ngầm trong hạm đội hải quân và việc Trung Quốc gây sức ép với chúng ta ở Himalaya, Biển Đông và giờ đây là Ấn Độ Dương khiến chúng ta càng phải lo ngại.” Ông Prakash cũng thừa nhận Ấn Độ cần nhiều thời gian để có thể tăng cường sức mạnh của hạm đội tàu ngầm.

Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi đã ra lệnh thúc đẩy mời thầu đóng 6 tàu ngầm chạy điện và diesel loại thường với chi phí ước tính 8,1 tỉ USD, cùng với 6 tàu ngầm tương tự mà công ty DCNS của Pháp đang lắp đặt ở cảng Mumbai để thay thế cho đội tàu gần 30 tuổi của nước này đã gặp nhiều sự cố.

Tàu ngầm hạt nhân tự đóng đầu tiên của Ấn Độ có thể mang theo tên lửa đầu đạn hạt nhân sẽ được thử nghiệm trên biển vào tháng này. Nếu thành công, tàu ngầm sẽ được đưa vào hoạt động trong biên chế hải quân Ấn Độ cuối năm 2016.

Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân nhằm đối phó Trung Quốc

Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân nhằm đối phó Trung Quốc. Ảnh Đời Sống Pháp Luật

Thêm vào đó, Ấn Độ hiện đang thuê một tàu ngầm hạt nhân của Nga năm 2012 và đang đàm phán để thuê chiếc thứ hai. Đồng thời, Chính phủ Ấn Độ cũng đặt hàng Tập đoàn công nghiệp Larsen & Toubro sản xuất thêm hai chiếc tàu ngầm hạt nhân khác. Với việc Ấn Độ dự định sẽ xây dựng hạm đội Hải quân với khoảng 150 tàu, bao gồm 2 tàu sân bay và việc Trung Quốc hiện có 800 tàu hải quân, cả hai nước nhiều khả năng sẽ không đối đầu với nhau.

Tuy nhiên, ông David Brewster, một chuyên gia về các vấn đề chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, tuyên bố Ấn Độ sẽ tìm mọi cách để giành lại vị thế thống trị tại Ấn Độ Dương. Với sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc ở Sri Lanka,  Ấn Độ nhấn mạnh rằng Sri Lanka cần phải thông báo trước việc này với Ấn Độ theo đúng thỏa thuận mà cả hai nước cùng ký với Maldives.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang ráo riết đầu tư vào một cảng biển nước sâu trị giá 8 tỷ USD tại Vịnh Bengal thuộc Bangladesh mà Tập đoàn Adani của nước này đã đệ trình được tham gia đấu thầu từ tháng 10 vừa qua trong bối cảnh tập đoàn Xây dựng Cảng biển Trung Quốc (CHEC) đang có nhiều khả năng giành thầu. “Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ sẽ cảm thấy phải lên tiếng”, ông Brewster nhận định.

Minh Thùy (tổng hợp từ Giáo Dục, Đời Sống Pháp Luật)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang