Những dấu hiệu cảnh báo ô tô cần thay giảm xóc

authorKhánh Mai 16:30 20/02/2023

(VietQ.vn) - Cần chú ý tới những dấu hiệu giảm xóc của xe ô tô cần thay thế để luôn được an toàn khi tham gia giao thông.

Giảm xóc (hay còn gọi là phuộc nhún) có vai trò quan trọng giúp giảm xóc cho ô tô; chúng hoạt động trong suốt quá trình xe di chuyển.

Bộ giảm xóc còn thực hiện công việc giữ lốp xe ít bị tròng trành trên đường gập ghềnh; giúp lái xe có thể điều khiển phương tiện dễ dàng. Vì bộ phận này phải hoạt động thường xuyên nên chúng rất nhanh hao mòn và mất dần khả năng hoạt động.

Có một số dấu hiệu cảnh báo bộ phận giảm xóc trên ô tô đang gặp vấn đề mà bạn cần biết, bởi những cú xóc không những khiến bạn khó chịu mà còn gây ra nhiều nguy hiểm tiềm ẩn.

Những dấu hiệu cảnh báo cần thay giảm xóc xe ô tô

Các rãnh mòn không đều trên lốp: Lốp xe là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường. Vì vậy, các rãnh mòn trên lốp không đều chứng tỏ độ bám đường không tốt. Trách nhiệm này thuộc về bộ phận giảm xóc. Do vậy, tài xế nên thường xuyên kiểm tra để xe bảo đảm vận hành trơn tru.

Xe rung lắc mạnh: Bộ phận giảm xóc có vai trò hấp thụ các rung lắc trong quá trình xe di chuyển. Tuy nhiên, xe bị xóc là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu xe bị xóc quá mạnh ngay cả trên những tuyến đường bằng phẳng, bạn cần kiểm tra bộ phận giảm xóc ngay lập tức.

Xe trượt và bị lệch hướng trên đường: Bộ phận giảm xóc không đạt chất lượng có thể gây nên hiện tượng này. Ngoài ra, xe bị trượt và lệch hướng trên đường bằng phẳng cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân thước lái trục trặc hay bề mặt lốp mòn không đều. 

Bàn đạp chân ga phản ứng chậm: Khi bộ phận giảm xóc hoạt động kém, xe của bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để phản ứng với phanh. Bởi, một bộ giảm xóc kém sẽ làm tăng khoảng cách dừng lên 20%. Do vậy, khi gặp phải vấn đề này bạn cần phải thay giảm xóc xe ngay lập tức.

Đầu xe nhún mạnh khi phanh gấp: Hiện tượng đầu xe nhún mạnh khi phanh gấp, xe lắc lư trong quá trình chuyển hướng là dấu hiệu của hệ thống giảm xóc đã bị hư hỏng hoặc quá yếu. Nếu vẫn cố sử dụng xe sẽ làm cho tài xế khó kiểm soát và làm giảm tầm nhìn. Đặc biệt, gây nguy hiểm trên những tuyến đường trơn, ẩm ướt. 

Tiếng ồn bất thường và biểu hiện rung lắc: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến do lỗi của giảm xóc xe ô tô không đạt chất lượng. Ngoài ra, sự rung lắc mạnh còn gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác của xe. Nếu giảm xóc xe tốt sẽ không có biểu hiện rung bất thường. Ngược lại, nó còn làm cho bánh xe tiếp xúc tối ưu với mặt đường và không tạo ra âm thanh bất thường nào.

Giảm xóc bị chảy dầu: Thông thường, giảm xóc ô tô sẽ có một lớp dầu mỏng bám trên trục piston. Lớp dầu này có tác dụng bôi trơn giúp giảm xóc hoạt động êm ái và ổn định. Do đó, nếu bạn chỉ thấy giảm xóc bị bám một lớp dầu mỏng thì đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu giảm xóc bị rỉ nhiều dầu thì đây là dấu hiệu cho thấy giảm xóc đang gặp vấn đề. Nguyên nhân khiến giảm xóc bị chảy dầu có thể do gioăng phớt làm kín bị hở, ty thuỷ lực bị cong vênh, moay ơ bị mòn…

Giảm xóc bị cứng: Giảm xóc ô tô bị cứng là một trong các dấu hiệu hỏng giảm xóc ô tô, hệ thống giảm xóc đã đến lúc cần phục hồi hoặc thay mới. Do lúc này giảm xóc không còn khả năng đàn hồi nên khi xe chạy, nhất là qua gờ giảm tốc, ổ gà, đường xấu… xe sẽ bị va đập mạnh.

Tay lái bị rung, lệch hướng, xe bị trượt: Khi bị mòn, hư hỏng,… hệ thống giảm sóc có thể bị suy yếu. Điều này làm giảm độ bám đường của lốp xe. Do đó ảnh hưởng đến hệ thống lái khiến vô lăng bị lệch, bị rung, xe bị trượt…

 Kiểm tra giảm xóc ô tô thường xuyên để tham gia giao thông được an toàn. Ảnh minh họa

Cách kiểm tra giảm xóc ô tô

Việc nắm bắt tình trạng của bộ phận giảm xóc sẽ giúp chủ xe chủ động hơn khi vận hành ô tô, cũng như đưa ra những biện pháp phòng tránh kịp thời. Chủ xe có thể tham khảo một số cách sau để thực hiện tại nhà.

Kiểm tra bằng mắt: Chủ xe có thể quan sát bằng mắt thường để tìm những chỗ bị rò rỉ, nếu thấy các dấu hiệu này sau mang xe đến gara để kiểm tra và sửa chữa. Khi giảm xóc hoạt động với tần suất lớn, lò xo sẽ rất nhanh bị hư hỏng, có thể bị gẫy và không còn đàn hồi nữa. Ống nhún sử dụng dầu thủy lực để hấp thụ và triệt tiêu các dao động, nếu các phớt làm kín bị hỏng thì dầu thủy lực sẽ rò rỉ ra ngoài, khiến bộ phận giảm xóc hoạt động không được trơn tru.

Kiểm tra phần đầu xe: Hãy sử dụng một lực ấn phần đầu xe xuống hoặc đặt đầu gối lên phần cứng của cản xe và nhún nhảy xuống, nếu xe không bật lên có nghĩa giảm xóc đã hỏng, hoặc có vấn đề.

Quan sát đằng trước xe: Khi đỗ trên nền phẳng hãy quan sát phần đầu xe, nếu độ cao của 2 bên bánh xe trước không giống với thông số tiêu chuẩn, có thể các lò xo giảm xóc hoặc thành phần nào đó của hệ thống treo đã bị gẫy, hư hỏng.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang