Lời khuyên từ chuyên gia về uống dầu cá Omega 3 để có lợi cho sức khỏe

authorNgọc Nga 07:18 25/02/2024

(VietQ.vn) - Omega-3 là nguồn axit béo mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Đây là nguồn axit béo có trong dầu cá và cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Tuy nhiên việc bổ sung quá nhiều cũng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

Theo BS Lê Bách, Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền (Hà Nội), axit béo Omega 3 bao gồm 3 loại là EPA, ALA và DHA, đều là những chất cần thiết cho sức khỏe. Bổ sung Omega 3 có thể mang lại những lợi ích sau đối với sức khỏe như ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim và làm giảm nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch.

DHA có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thị lực và thần kinh ở trẻ nhỏ. Bổ sung đầy đủ Omega 3 sẽ làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, suy giảm thị lực. Tốt cho người bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm vì omega 3 có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. Bổ sung Omega 3 đúng chỉ định có thể giúp duy trì huyết áp ổn định. Omega 3 còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tốt cho da, kiểm soát lượng dầu của da, kiểm soát độ ẩm của da, ngăn ngừa sự tăng lớp sừng của nang lông, ngăn ngừa lão hóa da sớm và mụn.

BS Lê Bách cho biết thêm, việc uống Omega 3 mỗi ngày hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều được khuyến cáo bổ sung thành từng đợt kéo dài ít nhất 3 tháng.

 Bổ sung dầu cá Omega 3 cần thận trọng. Ảnh minh họa

Liều lượng bổ sung Omega 3 ở mỗi người cũng có thể khác nhau. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, hầu hết được khuyến nghị tối thiểu 250-500 mg EPA và DHA kết hợp mỗi ngày. Với phụ nữ mang thai, nên cung cấp khoảng 500 mg mỗi ngày trong suốt chu kỳ và hàm lượng này có thể tăng vào cuối chu kỳ vì đây là giai đoạn thai nhi hình thành não bộ và thần kinh.

Ngoài ra, một số trường hợp với tình trạng sức khỏe nhất định có thể cần bổ sung Omega 3 nhiều hơn những người bình thường. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp. Mỗi sản phẩm thực phẩm bổ sung Omega 3 có thể chứa lượng EPA và DHA khác nhau. Điều quan trọng là phải đọc nhãn thực phẩm bổ sung Omega 3 để biết nó chứa bao nhiêu EPA và DHA. Từ đó, có thể xác định được cần uống bao nhiêu viên để đạt được lượng khuyến nghị.

Bệnh viện Đa khoa Medlatec cũng chia sẻ, mặc dù dầu cá rất tốt cho sức khỏe và có thể sử dụng thường xuyên song với một số trường hợp quá mẫn cảm hoặc dùng quá liều có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau: Hôi miệng, có mùi tanh; Buồn nôn; Phát ban; Phân lỏng; Ợ nóng; Khó tiêu.

Nếu các tác dụng phụ này thường xuyên xảy ra với mức độ nghiêm trọng, hãy ngưng sử dụng dầu cá và tham khảo ý kiến của bác sĩ. Việc thay đổi loại sản phẩm dầu cá phù hợp sẽ giúp giảm bớt tình trạng này. 

Tiêu thụ quá mức dầu cá nói riêng và Omega 3 nói chung còn có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng sức khỏe khác khó có thể nhận biết như làm tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Tiêu thụ dầu cá dư thừa làm tăng nguy cơ chảy máu cam, chảy máu nướu. Do đó trước khi phẫu thuật, bệnh nhân nên ngưng sử dụng dầu cá.

Omega 3 dư thừa trong dầu cá có thể gây hạ huyết áp ở người sử dụng, nhất là những người huyết áp cao hoặc cholesterol cao. Nhiều người dùng dầu cá gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi, đi ngoài phân lỏng. Mặc dù dầu cá giúp tăng cường chất lượng giấc ngủ song tiêu thụ quá mức lại cản trở giấc ngủ, khiến người dùng dễ bị mất ngủ hơn.

Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, khi dùng theo khuyến cáo, bổ sung dầu cá thường được coi là an toàn. Axit béo omega-3 rất cần thiết cho sức khỏe nên chúng ta cần cố gắng bổ sung từ chế độ ăn uống. Bổ sung dầu cá có thể hữu ích nếu bạn bị bệnh tim mạch hoặc rối loạn tự miễn dịch hoặc bạn không ăn được cá hoặc hải sản khác. Mặc dù dầu cá có tính an toàn cao nhưng uống quá nhiều dầu cá có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch của bạn. Uống bổ sung dầu cá liều cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, dầu cá còn gây tương tác một số loai thuốc gồm: Thuốc chống đông máu và thuốc chống tiểu cầu. Bổ sung dầu cá với các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Thuốc huyết áp: Uống bổ sung dầu cá có thể làm giảm huyết áp một chút cho nên sử dụng dầu cá với thuốc huyết áp có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp.

Thuốc tránh thai: Một số loại thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến tác dụng làm giảm triglyceride của dầu cá

Orlistat: Uống dầu cá với thuốc giảm cân này có thể làm giảm sự hấp thụ axit béo của dầu cá. Nên cân nhắc sử dụng thuốc này và dầu cá cách nhau ít nhất 2h.

Vitamin E: Uống dầu cá có thể làm giảm hấp thụ vitamin E.

Do đó để đảm bảo việc bổ sung dầu cá cho cơ thể một cách an toàn nhất, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ và sử dụng dầu cá dưới sự tư vấn của bác sĩ.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang