Vì sao nhiều người tái nhiễm Covid-19 sau khi đã khỏi bệnh trước đó

author 06:13 04/03/2022

(VietQ.vn) - Nhiều người mắc COVID-19 đã khỏi thường chủ quan cho rằng mình sẽ không mắc COVID-19 lần nữa, tuy nhiên trong thực tế những người từng nhiễm vẫn có thể bị tái nhiễm COVID-19.

Trong suốt 2 năm của đại dịch vừa qua, nhiều người đã nhiễm Covid-19. Trong đó, số lớn đã sống sót và vượt qua căn bệnh này.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là nhiều người đã chiến thắng căn bệnh này tin rằng họ gần như "bất khả chiến bại", và không sợ nhiễm virus lần nữa.

Nhưng liệu điều này có đúng không?

Mọi người luôn có nguy cơ nhiễm Covid-19 nhiều hơn 1 lần. Những người từng nhiễm Covid-19 có thể có mức độ miễn dịch nhất định chống lại Covid-19, nghĩa là họ có thể khó bị tái nhiễm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn không chắc chắn khả năng này kéo dài trong bao lâu.

Mặc dù nguy cơ tái nhiễm Covid-19 là hiếm, nhưng với sự xuất hiện của các biến thể mới với nhiều đột biến, các cơ quan y tế tin rằng điều này vẫn có khả năng xảy ra.

Theo phân tích của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, nguy cơ tái nhiễm với chủng Omicron cao hơn 16 lần so với Delta.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bằng chứng cho thấy người từng nhiễm Covid-19 có thể dễ tái nhiễm với Omicron hơn so với các biến thể khác.

Các biến thể Covid-19 mới nổi có thể nguy hiểm

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, trước khi xuất hiện Omicron, bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh ít có nguy cơ tái nhiễm, ít nhất là trong nhiều tháng. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã làm đảo lộn tất cả.

Nghiên cứu cũng cho thấy, biến thể mới có khả năng tránh được khả năng miễn dịch do từng nhiễm Covid-19 hoặc sau khi đã tiêm 2 liều vắc xin.

Vì sao tái nhiễm sau 1 tháng khỏi bệnh?

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số những bệnh nhân ông từng điều trị, có trường hợp tái nhiễm Covid-19 sớm nhất 3 tuần.

Theo bác sĩ Phúc, các bệnh nhân tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ, được điều trị tại nhà. Hiện, vẫn chưa có bằng chứng khoa học hay thống kê cụ thể về việc người tái nhiễm có triệu chứng nặng hay nhẹ hơn so với lần đầu.

Để chính xác, các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khoẻ bệnh nhân, thậm chí nuôi cấy virus, để xác định virus sống hay chết. Nếu virus đang sống, thì mới khẳng định là tái nhiễm.

Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, hiện đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ngay sau khi bệnh nhân mới khỏi bệnh.

Theo bác sĩ Hoàng, F0 sau thời gian điều trị, xét nghiệm PCR âm tính, nhưng sau đó lại tái dương tính, có thể do quá trình lấy mẫu chưa đúng. Hoặc cơ thể người bệnh chưa hết hẳn virus, vẫn còn lại xác virus, nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên.

"Có nhiều người dù không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng 15-20 ngày rồi, virus vẫn chưa hết hẳn, chỉ số CT vẫn dao động ở khoảng 25-30. Với các trường hợp này, cần ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi tốt hơn để sớm có kết quả PCR âm tính", bác sĩ Hoàng nói.

Bác sĩ Hoàng cho hay, để chắc chắn bệnh nhân tái nhiễm, cần giải trình tự gene. Nếu gene virus khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau, và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm.

Vậy tái nhiễm Covid-19 là gì? Tái nhiễm khác gì tái dương tính?

+ Tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau một thời gian vẫn bị mắc lại bệnh đó.

Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm Covid-19, đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus. Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại. Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước.

Tuy nhiên, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gene. Nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm.

+ Tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, nhưng lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính sau đó. Đây là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền hay xác virus chết.

Khả năng miễn dịch chống lại tái nhiễm có thể suy giảm theo thời gian

 
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về khả năng bảo vệ khỏi nhiễm bệnh ở người từng nhiễm Covid-19 hoặc miễn dịch do vắc xin kéo dài bao lâu.

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng và các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết có một số người quan niệm rằng đã nhiễm Covid-19, sẽ được bảo vệ vĩnh viễn khỏi Covid-19 giống như bệnh sởi. Nhưng hai loại virus này hoàn toàn khác nhau. Khả năng bảo vệ của virus corona sẽ mất đi sau một thời gian, theo nhật báo Times Of India (Ấn Độ).

Nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu về khoảng thời gian này. Nhưng các nghiên cứu đưa ra các mốc thời gian chưa nhất quán, từ 3 - 5 tháng cho đến 8 tháng.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm Covid-19

Ngoài các biến thể mới xuất hiện và khả năng miễn dịch suy giảm, có nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm.

Bệnh nhân Covid-19 không tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn bệnh nhân Covid-19 đã tiêm chủng, và cũng có thể mắc bệnh nặng hơn, theo Times Of India.

Những người bị suy giảm miễn dịch và có bệnh nền cũng dễ bị tái nhiễm hơn.

Đừng bỏ qua các di chứng hậu Covid-19

Những người mới nhiễm Covid-19 gần đây có thể thoát khỏi một đợt nhiễm bệnh. Tuy nhiên, họ cần phải hết sức thận trọng vì Covid-19 có thể để lại di chứng.

Nhiều người vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng, gồm cảm thấy yếu, mệt mỏi, ho dai dẳng, đau đầu và hơn thế nữa.

Người có bệnh nền, đặc biệt bệnh tim mạn tính, cần hết sức cẩn thận và chú ý đến việc chăm sóc hậu Covid-19.

Theo một nghiên cứu gần đây của BMJ, 1/3 bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi vào năm 2020 đã phát triển ít nhất một bệnh mới cần phải chăm sóc y tế sau khi nhiễm Covid-19, bao gồm các bệnh về tim, thận và phổi, và cả sức khỏe tâm thần, theo Times Of India.

Ngọc Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang