Việt Nam chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại

author 11:43 20/11/2021

(VietQ.vn) - Những năm gần đây, Việt Nam bắt đầu chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước.

Thống kê từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, trong hơn 25 năm qua, các nước trên thế giới đã khởi xướng điều tra tổng cộng 6.300 vụ việc chống bán phá giá; 632 vụ việc chống trợ cấp; 400 vụ việc tự vệ. Trung bình mỗi năm là hơn 295 vụ và điều này chứng tỏ, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. 

Nếu ở giai đoạn 2005 - 2010 mới có 25 vụ việc thì trong giai đoạn từ 2011 - 2015 là 53 vụ. Đặc biệt giai đoạn 2016 - 9/2021 đã tăng lên 109 vụ việc. Giai đoạn trước năm 2005 tổng số vụ việc khoảng 52 vụ nhưng tổng số vụ việc cho đến nay là 208 vụ.

Số lượng các vụ việc chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi một số nước có hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam lại sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ một số khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Việt Nam đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước. Ảnh minh họa. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, vấn đề phòng vệ thương mại từ khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có tác động mạnh đến quá trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Đây là hệ quả tất yếu của mỗi quốc gia trong quá trình mở cửa nền kinh tế và hội nhập với thị trường bên ngoài, gắn những lợi ích cân bằng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để đảm bảo lợi ích của mình, các quốc gia trên thế giới hiện nay đều sử dụng công cụ phòng vệ thương mại.

Lý do chính khiến xu thế phòng vệ thương mại gia tăng đánh vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh là do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các FTA. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, đã khiến ngành sản xuất các nước này đề nghị chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ở chiều ngược lại, mặc dù phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam, song những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước. 

Tính đến tháng 11/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp, 6 vụ tự vệ và 1 vụ chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Đối tượng bao gồm các sản phẩm như thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón DAP, nhôm, ván gỗ, đường mía...

Ngoài ra, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, trong bối cảnh khả năng tăng trưởng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, khả năng phải đối diện với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là không tránh khỏi.

“Cục Phòng vệ thương mại nhận thấy đây là vấn đề mới nhưng cực kì quan trọng liên quan nhiều đến năng lực pháp lý, năng lực tài chính, kế toán rất phức tạp. Vì vậy, hơn lúc nào hết doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại để có thể đảm bảo hiệu quả tiến trình hội nhập, cần sử dụng tốt các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp được tổ chức thương mại thế giới cho phép”, ông Lê Triệu Dũng nói.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang