Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu

author 09:38 03/04/2021

(VietQ.vn) - Hãng phân tích công nghiệp toàn cầu Counterpoint vừa có bài viết cho rằng Việt Nam đang thăng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài viết đăng trên trang Counterpoint nhấn mạnh, trong thời đại chủ nghĩa bảo hộ mà nhiều nền kinh tế bị chao đảo bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đang vươn lên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất xuất khẩu.

Từ năm 2020-2026, thị trường dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ hằng năm kép là 5%. Với lĩnh vực chế tạo tăng trưởng theo cấp số nhân cùng với nhu cầu nội địa và xuất khẩu ngày càng tăng, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử và ô tô, doanh nghiệp EMS dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên tầm cao mới. Nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà cung cấp EMS toàn cầu như Samsung, LG và Foxconn (nhà sản xuất theo hợp đồng cho Apple) đang đầu tư vào sản xuất bảng mạch in, mô-đun máy ảnh, máy in, máy chủ, điện thoại, thiết bị mạng, tivi và các thiết bị điện tử khác trong nước.

Năm 2020 với gần 70% thị phần điện thoại tại Việt Nam, Samsung là một trong những công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Việt Nam có một trong những cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của Samsung bên ngoài Hàn Quốc. Đến năm 2022, Samsung dự kiến sẽ hoàn thành trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Việt Nam.

Bài viết cho rằng những yếu tố tích cực đưa Việt Nam trở thành điểm đến thuận lợi cho các nhà sản xuất, gồm việc không ngừng cải thiện chính sách đầu tư và kinh doanh, tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tăng vốn FDI và vị trí địa lý thuận lợi.

Đến năm 2027, Pegatron sẽ đầu tư gần 1 tỷ USD vào nhà máy Việt Nam theo 3 giai đoạn, hướng đến các ngành máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng. Foxconn cũng đang chuyển một số dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam. Google cũng đang chuyển sản xuất thương hiệu điện thoại thông minh Pixel cho thị trường Mỹ sang Việt Nam. 

Ngoài ra, theo bài viết, Việt Nam được biết đến với các chiến lược toàn diện, kéo dài từ 5-10 năm như “Sản xuất tại Việt Nam 2025: Chiến lược và chính sách công nghiệp năm 2025” và Tầm nhìn năm 2035.

Nền kinh tế Việt Nam đang có bước bứt phá bất chấp dịch COVID-19. Ảnh: Counterpoint  

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khen ngợi thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế giữa khủng hoảng dịch Covid-19, đồng thời khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện.

Theo báo cáo, bất chấp đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 (tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới) và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế.

Việc áp dụng nhanh chóng các biện pháp kiểm soát, kết hợp với truy vết tích cực, xét nghiệm đúng đối tượng và cách ly các ca nghi mắc Covid-19 đã giúp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức rất thấp theo bình quân đầu người. Việc Việt Nam đứng trong danh sách các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm ngoái là nhờ các hoạt động trong nước sớm phục hồi và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu điện tử công nghệ cao khi mọi người trên thế giới làm việc tại nhà.

IMF cho biết, Việt Nam bước vào đại dịch với các nền tảng kinh tế và vùng đệm chính sách vững chắc, mặc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần phải giải quyết. Đầu tư nước ngoài mạnh và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường năng lực phục hồi của kinh tế. Dù vẫn còn một số điểm yếu, sức khỏe của hệ thống ngân hàng được cải thiện, với khả năng sinh lời, thanh khoản cao hơn và ít nợ xấu hơn so với trước kia.

Việt Nam cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong việc củng cố tài chính công trước dịch Covid-19. Việc xây dựng các vùng đệm về tài khóa và tài chính trước đại dịch đã giúp Việt Nam đương đầu tốt hơn với cú sốc. Tuy nhiên, theo IMF, vẫn còn khoảng trống lớn để Việt Nam thúc đẩy năng suất và cải thiện khả năng phục hồi kinh tế.

IMF cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần tiến hành cải cách quyết liệt hơn để tận dụng tối đa tiềm năng tăng trưởng to lớn. Điều này đòi hỏi phải giải quyết các nguyên nhân khiến năng suất thấp. Việt Nam cũng nên ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải cách hướng tới giảm bớt gánh nặng pháp lý mà các doanh nghiệp phải đối mặt, cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, đổi mới, tăng cường quản trị và tiếp cận công nghệ...

Trang The Diplomat cũng từng có bài viết cho rằng, sau câu chuyện chống dịch COVID-19 thành công, Việt Nam có vị thế tốt để đóng vai trò năng động hơn trên trường quốc tế và quản trị toàn cầu là “chìa khóa” cho mục tiêu này.

Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc tầm trung mới nổi và ngày càng có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế, Việt Nam có khả năng tham gia xây dựng lại hệ thống quản trị toàn cầu đã bị tê liệt do căng thẳng giữa các siêu cường ngày càng gia tăng và sự bùng nổ của đại dịch COVID-19.

Nhờ phản ứng ấn tượng với đại dịch, Việt Nam đứng thứ hai trong số 98 quốc gia về hiệu quả của các biện pháp chống COVID-19. Quan trọng hơn, Việt Nam cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao so với các nước láng giềng và được dự báo sẽ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Ở mức độ này, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về quản trị. Những thành tựu trên tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào công cuộc quản lý thế giới sau đại dịch. Nếu biết nắm bắt cơ hội này, Việt Nam có thể vừa nâng cao vị thế quốc tế, vừa đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề thế giới.

Việt Nam có thể thu được lợi ích kinh tế từ việc tham gia hiệu quả hơn vào quản trị toàn cầu. Việc Việt Nam sở hữu ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong những năm gần đây là minh chứng cho mong muốn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Để đạt được đầy đủ lợi ích từ các FTA này, điều quan trọng là Việt Nam phải chủ động hơn trong các vấn đề quản trị, cả trong nước và toàn cầu.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang