VKS đề nghị Grab bồi thường cho Vinasun gần 42 tỷ: Giới chuyên gia nói gì?

authorĐỗ Thu Thoan 06:49 25/10/2018

(VietQ.vn) - Xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận đơn kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng cho Vinasun. Đề nghị này ngay lập tức đã nhận được những tranh cãi gay gắt.

Sự kiện: Kinh doanh

Dân Trí đưa tin, phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng đã khép lại phần tranh luận.

Nêu quan điểm, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp công nghệ mà mà thực chất là công ty kinh doanh vận tải taxi. Grab trực tiếp vận hành, điều xe, quy định giá cước, mức chiết khấu và quy định xử phạt đối với tài xế. Ngoài ra, Grab còn đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi trong đó có "chuyến xe 0 đồng".

vks-de-nghi-grab-boi-thuong-cho-vinasun-gan-42-ty-gioi-chuyen-gia-noi-gi

VKS đề nghị Grab bồi thường cho Vinasun gần 42 tỷ. Ảnh minh họa

Theo VKS, việc Vinasun yêu cầu bồi thường thiệt hại do lợi nhuận giảm là hoàn toàn có cơ sở. Bởi Grab đã không trung thực khi kê khai ngành nghề và có hành vi khuyến mãi không đúng quy định, hơn 70% khách hàng của Vinasun chuyển sang dùng Grab vì giá cước rẻ, từ đó khiến lợi nhuận của Vinasun liên tục giảm qua các năm.

Cụ thể, theo báo VnExpress, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Vinasun giảm gần 320 tỷ đồng, năm 2016 là hơn 295 tỷ. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 53 tỷ, hết quý hai đã có hơn 8.000 nhân viên nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi...

Do vậy, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng mà nguyên đơn thiệt hại. Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào chiều 29/10.

Đề nghị trên của VKS đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cũng như các lo ngại phát sinh từ quyết định này trong dư luận, theo Dân Trí.

Tờ báo dẫn lời TS. Lương Hoài Nam (chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hàng không, du lịch): “Nếu tòa xử cho Vinasun thắng kiện Grab thì sẽ là “một cái tát” vào mặt môi trường, văn hóa kinh doanh nói chung, vào chủ trương phát triển công nghiệp 4.0 nói riêng ở nước ta”. Đồng  thời, ông Nam cũng bày tỏ lo ngại về kết quả có lợi cho Vinasun sẽ kéo theo nhiều vụ kiện khác tương tự.

vks-de-nghi-grab-boi-thuong-cho-vinasun-gan-42-ty-gioi-chuyen-gia-noi-gi

TS. Lương Hoài Nam. Ảnh: Dân Trí

Ông Lương Hoài Nam cũng nêu lập luận cá nhân và khẳng định: “Grab là công ty công nghệ, cung cấp kết nối giữa người vận tải và khách hàng. Nó không phải doanh nghiệp taxi hay bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào khác. Nó không có phương tiện vận tải, chẳng có lái xe”.

“Gọi Grab là doanh nghiệp vận tải chẳng khác nào gọi các công ty nước ngoài đang cung cấp hệ thống bán vé máy bay ở Việt Nam là các hãng hàng không" – TS. Lương Hoài Nam nhận định và cho rằng đây là động tác “đánh tráo khái niệm”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức (chuyên gia chính sách công, thành viên Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), lại có cách nhìn thận trọng hơn về đề xuất của VKS.

vks-de-nghi-grab-boi-thuong-cho-vinasun-gan-42-ty-gioi-chuyen-gia-noi-gi

Ông Nguyễn Minh Đức. Ảnh: Dân Trí

Ông Đức cũng nêu rõ và phân tích ba lý do khiến Grab chiếm lợi thế trước Vinasun. Thứ nhất là việc các hãng taxi công nghệ đã ứng dụng được tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực này, khiến giá dịch vụ của họ rẻ hơn, chất lượng tốt hơn.

Thứ hai (có thể có) là việc chi phí tuân thủ pháp luật của Grab thấp hơn Vinasun như một số quy định taxi truyền thống phải tuân thủ mà Grab thì không

Thứ ba là việc Grab đã cạnh tranh không lành mạnh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh.

Trong phần kết luận, ông Đức cho biết ủng hộ việc sử dụng công nghệ để kinh doanh không những của Grab mà còn của Vinasun hay Mai Linh và nhiều hãng khác. Tuy nhiên, ông cũng phản đối các hoạt động “bán phá giá” nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh, vi phạm Luật cạnh tranh.

Được biết, vụ kiện giữa Vinasun và Grab được khởi phát tháng 6 năm ngoái. Theo Zing, trước đó, tại các ngày xét xử, phía luật sư của Vinasun vẫn giữ quan điểm, khẳng định Grab vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT, đăng ký dịch vụ cung ứng phần mềm nhưng lại kinh doanh vận tải taxi nên gây thiệt hại cho Vinasun.

Về phần Grab, công ty này khẳng định cung cấp dịch vụ công nghệ cho công ty taxi chứ không kinh doanh vận tải.

Grab cho biết, đơn vị này cũng như Vinasun, đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh vì không biết sẽ chọn kinh doanh nào nhưng không sử dụng lĩnh vực đó. Theo đại diện Grab cho biết từ ngày 2/3/2017, doanh nghiệp này nhận quyết định từ Bộ Công Thương, yêu cầu rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa bao giờ sử dụng ngành nghề kinh doanh này.

Grab cho biết mục tiêu kinh doanh nhắm đến việc cung cấp dịch vụ về công nghệ để hỗ trợ xã hội và người dân, hướng đến nền công nghệ 4.0. Grab tin tưởng về lâu dài sẽ tạo ra lợi nhuận.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang