Vốn ở đâu cho doanh nghiệp nhỏ?

author 11:28 13/11/2013

Các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng để tăng trưởng và phát triển bền vững. Do đó cần có thể chế, các gói sản phẩm và phương pháp tiếp cận riêng dành cho nhóm DN này.

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế

Trong một hội thảo quốc tế “Cung cấp tài chính cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ hướng tới tăng trưởng toàn diện” được thực hiện trực tiếp tại 6 điểm cầu gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh và Washington DC (Mỹ), các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng trưởng toàn diện của quốc gia, tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của nhóm các DN này còn rất hạn chế, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Các cuộc khảo sát DN và môi trường đầu tự do WB thực hiện cho thấy, DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn về vốn cho phát triển. Sau 2 - 3 năm khởi nghiệp, chỉ còn khoảng 1/3 DN hoạt động.

“MSMEs là những DN có 5 nhân lực trở lên, thường hoạt động trong khu vực tài chính phi chính thức hay được hiểu nôm na là những hộ kinh doanh gia đình, không có đăng ký kinh doanh, hoạt động ở mặt tiền của các con phố hoặc là những tổ sản xuất trong  khu dân cư. Đây là lực lượng lao động đóng góp đáng kể cho sự phát triển của mỗi nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế này hết sức khó khăn do các ngân hàng không coi đây là một thị trường tiềm năng bởi thực tế sau 2-3 năm hoạt động chỉ 1/3 số MSMEs còn tồn tại”- ông Jose de Luna Martinez, chuyên gia kinh tế tài chính cao cấp của WB cho biết.

Tuy nhiên, chia sẻ kinh nghiệm từ Trung Quốc, ông Liu Xiaoqiang, Quản lý dự án cấp cao, Trung tâm Tài chính và Phát triển châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Trung Quốc có 50 triệu DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, đóng góp 60% GDP của cả nước. Trong 5 năm gần đây cơ cấu cho vay của các ngân hàng Trung Quốc hướng nhiều hơn đến DN nhỏ và siêu nhỏ và dành cho nông nghiệp, nông thôn. Ông Liu Xiaoqiang cho biết, Trung Quốc đang thực hiện một mô hình mới có sự tham gia của chính quyền địa phương và ngân hàng trung ương vùng thiết lập quỹ phát bảo lãnh cho MSMEs ở khu vực đó. Ngoài ra, hiện nay Trung Quốc đang ở trong giai đoạn đầu thực hiện một mô hình mới nhằm hỗ trợ vốn nhanh và đơn giản cho MSMEs, đó là thiết lập hối phiếu tập thể, trái phiếu tập thể giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.

Các DN nhỏ thường khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Hành lang pháp lý cho tài sản thế chấp

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Kang Dongsoo, Giám đốc Viện Phát triển Hàn Quốc cho biết, ở Hàn Quốc có những đội ngũ luật sư tình nguyện hỗ trợ, tư vấn pháp lý miễn phí cho MSMEs khi họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn cần được tư vấn cơ cấu nợ.

Tại Việt Nam, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ được nhận định là khá khó khăn. Theo khảo sát của WB, 2/3 tài sản của các DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ không phải là bất động sản, nên khó thuyết phục ngân hàng cho vay. Do đó, ông Jose de Luna Martinez cho rằng, cần có cơ chế mới về thế chấp tài sản để hỗ trợ nhóm DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ có thể tiếp cận vốn dễ hơn. Một trong những lĩnh vực cần cải tiến ở các ngân hàng của Việt Nam là sử dụng các hình thức, các loại tài sản mới làm tài sản thế chấp cho DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. “Ngân hàng thường yêu cầu tài sản thế chấp là bất động sản nhưng đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ, phần lớn tài sản của họ là động sản, do đó cần có cơ chế pháp lý phù hợp hơn để các MSMEs có thể thế chấp được các tài sản của họ để có thể tiếp cận vốn tín dụng. Ngoài những tài sản là động sản, một loại tài sản khác của MSMEs cũng có thể thế chấp được đó là những tài sản vô hình như đăng ký sở hữu trí tuệ, cổ phần, cổ phiếu… Như vậy cần thiết lập hệ thống pháp lý phù hợp để các tài sản này được thế chấp tại ngân hàng để DN nhỏ vay được vốn tín dụng”- ông Jose de Luna Martinez nói.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, vấn đề cung cấp tài chính cho DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cần phải được giải quyết bằng nỗ lực chung của Chính phủ và các thiết chế tài chính, nhằm mở rộng cách tiếp cận nguồn vốn, đổi mới mô hình tài chính thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nhóm DN này.

Theo Hải quan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang