Xử lí sữa nhiễm khuẩn: Lộ kẽ hở pháp lý

author 14:30 08/08/2013

Hiện tại đã có rất nhiều trẻ đã sử dụng sản phẩm sữa trong diện bị thu hồi, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng nhưng để đòi bồi thường quyền lợi cho mình vẫn không phải là điều dễ dàng.

Hãng sữa: “nếu lo thì đi khám”

Quá lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con nhiều phụ huynh đã gọi điện đến đường dây nóng của nhà phân phối để tìm hiểu rõ sự tình nhưng vẫn không thể liên lạc được.

Công ty Danone Việt Nam (phân phối sữa Dumex) cũng chỉ đưa ra thông cáo xin lỗi về sự bất tiện trong việc thu hồi sản phẩm. Trong khi đó thông tin phản hồi về các vấn đề phát sinh có thể xảy ra khi sử dụng sản phẩm vẫn không được công bố.

sữa, nhiễm khuẩn, Dumex, Similac, hoang mang, trẻ em, người tiêu dùng
Nhiều người tiêu dùng hoang mang trước thông tin sữa độc

Tuy nhiên, khuyến cáo từ nhà sản xuất là công ty Fonterra là người tiêu dùng không nên sử dụng sản phẩm này đã tăng thêm phầm hoang mang cho phần lớn người tiêu dùng.

Chị Hải Yến (ở đường Dương Quảng Hàm, P7, Gò Vấp) cho biết: nhiều gia đình trong chung cư chị đang sống đã sử dụng các sản phẩm Dumex Gold loại 800gr, giá 400.000 đồng/hộp cũng rất lo lắng. Hầu hết các sản phẩm này đều mua không có hóa đơn chứng từ nên chưa biết trả lại ra sao. Cũng không biết lấy gì làm bằng chứng nếu như có biến chứng liên quan đến sức khỏe của con.

Trước những sức ép của dư luận hãng sữa Dumex công bố số điện thoại đường dây nóng 1800599944 để những khách hàng đã mua sản phẩm có thể liên hệ. Ngoài cam kết đổi sản phẩm miễn phí, doanh nghiệp này cũng chỉ khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng sản phẩm Dumex Gold, nếu gặp vấn đề về sức khỏe, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc các cơ quan y tế như là biện pháp phòng ngừa. Trong khi đó vẫn chưa có động thái nào cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất khi cung cấp sản phẩm không đạt chất lượng cho người tiêu dùng.

Nói về những hệ lụy mà trẻ nhỏ lỡ dùng sữa nhiễm khuẩn có thể phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe, Abbott sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Giám đốc đối ngoại Văn phòng Abbott cho biết: hiện cả Văn phòng Abbott tại Việt Nam và cả Hãng Abbott chưa ghi nhận được trường hợp nào nhiễm bệnh sau khi uống sữa thuộc các lô đang bị thu hồi. Nếu phụ huynh lo lắng thì có thể đưa con đi khám để xác thực.

Trước khi bỏ tiền ra mua sản phẩm của các hãng này có lẽ không khách hàng nào mong muốn nhận được các câu trả lời tương tự như đại diện của các hãng sữa tại Việt Nam. Sức khỏe của nhiều trẻ em đang bị đe dọa khi sử dụng sản phẩm của hãng, có lẽ không phụ huynh nào mong muốn sức khỏe của con mình bị ảnh hưởng, để rồi lúc đó mới vác đơn đi đòi quyền lợi.

Kiện được, nhưng phải chờ…biến chứng?

Theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM: “Hiện tại người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm bị thu hồi vẫn khó đòi hỏi quyền lợi cho mình.

Trong khi đó căn cứ theo luật thì người tiêu dùng phải chứng minh được các thiệt hại mới có thể khiếu nại. Nếu căn cứ theo điều này thì thiệt hại của người tiêu dùng không thế dễ dàng nhận diện và ngay tức thì được.

sữa, nhiễm khuẩn, Dumex, Similac, hoang mang, trẻ em, người tiêu dùng
Loại sữa nhiễm độc bị thu hồi, trách nhiệm pháp lý liên quan vẫn chưa rõ ràng

Trong phạm vi chức năng của mình Hội chỉ có thể đưa ra ý kiến và nếu có thể chỉ là đưa ý kiến của người tiêu dùng tới doanh nghiệp; tổ chức đối thoại giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.”

“Thời điểm này người tiêu dùng chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách yêu cầu nơi thu hồi cần có giấy xác nhận thông tin đầy đủ đã sử dụng sản phẩm này ngày nào, giờ nào. Trong trường hợp có biến chứng về sau thì còn có cơ sở pháp lý cũng như chứng từ đầy đủ để bảo vệ mình.” - bà Thu cho biết thêm

Xung quanh vấn đề trách nhiệm pháp lý của các bên có liên quan đến sản phẩm sữa nhiễm độc, luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty luật TNHH Đông Phương Luật (quận 1, TP.HCM) cho rằng trong trường hợp người tiêu dùng đã tiêu thụ sản phẩm mà bị thiệt hại về sức khỏe – người tiêu dùng có quyền căn cứ theo Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 630 Bộ Luật Dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng để yêu cầu tổ chức sản xuất (nhà sản xuất) và tổ chức nhập khẩu hàng hóa (đơn vị nhập khẩu) phải liên đới chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, tại khoản 7, Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: “Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền tự mình hoặc đề nghị tổ chức xã hội (như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam…) khiếu nại hoặc khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Tuy nhiên, để khiếu nại, khởi kiện người tiêu dùng phải có đủ chứng cứ liên quan tới quá trình mua bán, sử dụng, bảo hành sản phẩm như hóa đơn, chứng từ mua bán.

Trong trường hợp này, phải chứng minh được nguyên nhân gây ra thiệt hại là từ sản phẩm sữa đã sử dụng. Chất độc hại trong sữa là tác nhân duy nhất gây ra tình trạng liệt cơ, ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Đây là điều hoàn toàn không dễ dàng vì mấy ai đi mua sữa mà giữ hóa đơn? Hậu quả đang xảy ra thì có thể từ nhiều nguyên nhân…

Theo luật sư Công, cần thiết phải có cơ quan giám định chuyên môn theo luật định trong trường hợp này và diễn biến mang tính quy trình hoàn chỉnh từ nguyên nhân, hậu quả thì yêu cầu của người bị thiệt hại mới được chấp nhận.

Như vậy, rõ ràng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm khi họ đã sử dụng sản phẩm sữa bị nhiễm khuẩn, phía nhà sản xuất đã có những động thái tích cực xong xét về mặt pháp lý để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, người tiêu dùng sẽ phải trải qua quá trình khá gian nan.

 Nam Phong – Mai Phượng/VNN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang