Ấn tượng khoa học và công nghệ năm 2019: Một năm nhiều kỳ tích

author 07:50 05/02/2019

(VietQ.vn) - Trong năm 2018, theo đúng tinh thần “Chính phủ kiến tạo”, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã hỗ trợ tích cực cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp để từ đó tạo đà cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội phát triển với những kết quả ấn tượng.

Những thành tựu của KH&CN trong năm 2018 đã được ứng dụng sâu rộng trong thực tiễn có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Tổng kết các hoạt động, các sự kiện KH&CN tiêu biểu năm 2018, các nhà quản lý, nhà khoa học cũng đã để lại những đánh giá sâu sắc về những điểm nhấn, ấn tượng trong các lĩnh vực KH&CN của Việt Nam.

Khởi nghiệp bản chất là thử nghiệm những cái mới

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), tại Việt Nam hiện nay, môi trường đầu tư đã được cải thiện rất tốt với hàng loạt các Luật, chính sách tiến bộ khuyến khích những ý tưởng sáng tạo và thương mại hóa những ý tưởng đó. Tuy nhiên, do nhu cầu của khởi nghiệp sáng tạo và của nhà đầu tư luôn thay đổi nên quá trình hoàn thiện chính sách là quá trình liên tục và phải đáp ứng những thực tiễn thay đổi đó.

“Khởi nghiệp bản chất là thử nghiệm những cái mới. Do vậy những người làm chính sách phải dám thử nghiệm những chính sách mới. Và trong quá trình thực thi, chúng ta sẽ thu lại những phản hồi để từ đó điều chỉnh hợp lý”, ông Quất nói.

 Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN). 

Còn ông Trần Trí Dũng, chuyên gia của chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ, hệ thống chính sách, khuôn khổ pháp lý hiện tại cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa hoàn thiện và đó chính là lý do phải có “hệ sinh thái”. Trong hệ sinh thái đó, tất cả mọi người sẽ trao đổi, hợp tác, cố gắng tạo ra điều kiện thích hợp nhất để hạt mầm sáng tạo được phát triển.

Về xu hướng khởi nghiệp trong năm 2019, ông Dũng dự đoán: “Năm 2019, những từ khóa, những câu chuyện về khởi nghiệp sẽ trở nên bình thường, phổ biến, gần gũi hơn – tức là nó ngấm vào trong máu, tế bào của từng người. Khi đó khởi nghiệp của chúng ta sẽ đi vào chiều sâu và chất lượng. Điều thứ hai có thể kỳ vọng là càng ngày các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ các ý tưởng khởi nghiệp của starup Việt càng có chất lượng cao hơn”.

Tôn vinh hai nhà khoa học xuất sắc

Tạp chí Asian Scientist (Singapore) công bố danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á được vinh danh, trong đó có hai nhà khoa học Việt Nam là GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng Khoa Hóa học kỹ thuật (ĐH Quốc gia TP.HCM) và PGS. TS Nguyễn Sum, Giảng viên Khoa Toán (ĐH Quy Nhơn).

Công trình nổi bật của PGS.TS Nguyễn Sum là “Về bài toán hit của Peterson” thuộc lĩnh vực Topo đại số, đăng trên tạp chí Advances in Mathematics, số 274, ngày 9/4/2015.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam và PGS.TS Nguyễn Sum.

Đây là bài toán mở được nhà toán học Frank Peterson (MIT, Mỹ) đề ra năm 1986. PGS.TS Nguyễn Sum đã kiên trì với bài toán khó và những nghiên cứu của ông là một bước tiến mới trong việc giải quyết bài toán Peterson kể từ năm 1990. Còn GS. Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực hóa học kỹ thuật.

 
PGS.TS Nguyễn Sum chia sẻ: “Trong phát triển khoa học công nghệ nước nhà, đội ngũ trí thức phải đóng vai trò đầu tàu. Các nhà khoa học thường nhận đề tài từ chính phủ, doanh ngiệp và lấy sản phẩm nghiên cứu nuôi chính mình. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế nào đó để gắn kết những nhà sản xuất, những người có nhu cầu với những nhà khoa học có đề tài nghiên cứu ứng dụng đó”.
 

Công trình nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng dụng tổng hợp các hợp chất hữu cơ. Đặc biệt, công trình đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố. Công trình này giúp ông nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017. Đây là công trình được thực hiện trong nước, do 5 tác giả người Việt Nam thực hiện.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted) nói: “Hai nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á đã cho thấy sự đầu tư đúng hướng cho khoa học của chính sách hiện nay trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học phát huy hết năng lực của mình”.

Cũng theo ông Dũng, hằng năm có hàng nghìn nhà khoa học được hưởng lợi từ các chính sách KH&CN và thực hiện nhiều nghiên cứu có chất lượng. Các chính sách cũng đã hướng tới được việc duy trì và phát triển nguồn lực KH&CN trải dài trên khắp đất nước.

Kỷ nguyên mới trong điều trị bệnh tuyến giáp

GS.TS. NSND Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y – Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, ưu điểm lớn nhất của kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ là thao tác kỹ thuật đơn giản, thuận lợi, dễ ứng dụng; đường vào trực tiếp đến tuyến giáp; bảo đảm tốt khi tách tuyến cận giáp, dây thần kinh thanh quản quặn ngược đồng thời bảo đảm tốt cho việc đốt cắt trong quá trình cầm máu.

Kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ được cắt bỏ tổ chức bị bệnh theo đúng chỉ định; kỹ thuật an toàn, đạt hiệu quả cao trong điều trị. Còn theo đánh giá của PGS. TS Trần Ngọc Lương – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, phẫu thuật nội soi một lỗ là tiến bộ mới của phẫu thuật nội soi tuyến giáp.

Việc ứng dụng phương pháp mới thành công đã khẳng định được tay nghề cũng như kinh nghiệm của các y bác sĩ Việt Nam đã lên một tầm cao mới, có thể theo kịp nhiều nền y học hiện đại trên thế giới.

Khảo cổ học đạt “kỳ tích” hiếm có

Năm 2018, lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa Krông no (Đăk Nông). Đây là di cốt đầu tiên được phát hiện trong hang động núi lửa ở Việt Nam và Đông Nam Á, hiếm gặp trên thế giới.

 
GS.TS KH Vũ Minh Giang, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: Phát hiện di chỉ người tiền sử ở Đăk Nông đã cho chúng ta nhận thức mới về xã hội nguyên thủy ở Việt Nam, về giai đoạn lịch sử mà chúng ta có những hiểu biết ở mức nghèo nàn lạc hậu. Di sản mới phát hiện sẽ là nơi thu hút, hấp dẫn các nhà khoa học thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo cú hích cho khoa học phát triển.
 

Kết quả khai quật đã cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục cho việc phục dựng, tái hiện sinh cảnh người tiền sử. Đồng thời đóng góp bằng chứng có tính thuyết phục cao cho việc xây dựng Công viên địa chất toàn cầu ở Đăk Nông.

PGS.TS Nguyễn Trung Minh, Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho biết, đây là loại hình di sản hỗn hợp địa chất đa dạng sinh học văn hóa hỗn hợp và sẽ bảo tồn tại chỗ, giới thiệu ngay tại hang núi lửa với những mặt cắt khai quật, hiện vật, tái hiện cảnh sinh hoạt của người tiền sử. Hai năm tới khi kết thúc đề tài, các nhà khoa học cùng các cơ quan liên quan sẽ tính tới việc mở cửa di tích phục vụ công chúng thăm quan.

KH&CN “góp công” nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Theo thống kê, năm 2018 KH&CN đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và hơn 38% giá trị gia tăng trong sản xuất cây trồng và vật nuôi. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến, dịch vụ có hiệu quả.

Đến nay, cả nước đã hình thành 818 chuỗi nông sản an toàn thực phẩm phân phối 1380 sản phẩm tại 3080 địa điểm, liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp qua mô hình cánh đồng lớn đã khẳng định tính hiệu quả và sự phù hợp của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có ứng dụng KH&CN.

Năm 2018, hoạt động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp đạt nhiều thành tựu. Ảnh minh họa 

TS Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện còn nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy, việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đột phá hỗ trợ khởi nghiệp: Dấu ấn từ chương trình IPP2

Nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, Giai đoạn 2 (IPP2), sau 3 năm đã có 18 “hạt giống” khởi nghiệp được xây dựng và 80% số hạt giống còn tồn tại.

Các dự án cũng đã đạt được tăng trưởng ở mức cao như doanh thu đạt hơn 200% và việc làm đạt 400% so với trước khi nhận hỗ trợ. Nhiều đơn vị khởi nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm được sang Hòa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Úc, CH Séc, Malaysia...

Ông Nguyễn Hoàng Long – thành viên sáng lập của Hamona, dự án nhận tài trợ IPP2 nhấn mạnh, với khoản tài trợ bổ sung từ IPP2, doanh nghiệp sẽ sử dụng để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, mở rộng các hoạt động marketing và tối ưu hoá quy trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế đối với sản phẩm…

“Việc xây dựng chuỗi giá trị yêu cầu các thành viên phải có tinh thần đồng cam cộng khổ, chia sẻ rủi ro, trong đó, doanh nghiệp là hạt nhân hỗ trợ nông dân từ kỹ thuật, quy trình, giống, công nghệ sản xuất để tạo ra những sản phẩm đồng đều về chất lượng”, bà Thủy nói.

Hán Hiển

Những thành tựu của khoa học công nghệ trong phát triển ngành nông nghiệpCác kết quả nổi bật nêu trên của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH&CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang