Báo động vấn nạn mạo danh quảng cáo trong hoạt động kinh doanh TPBVSK

author 07:02 02/05/2021

(VietQ.vn) - Mạo danh uy tín của người nổi tiếng, y bác sỹ, trung tâm y tế… trong quảng cáo kinh doanh TPBVSK đang rất phổ biến, thậm chí người trong cuộc còn phải thốt lên: “Họ lươn lẹo tôi cũng thấy sợ”, để cho thấy hiện tượng này đã trở thành vấn nạn nhức nhối.

 Bác sỹ Lê Lương Đống cho biết bị 22 tài khoản mạo danh quảng cáo

Vấn nạn mạo danh quảng cáo

Kinh doanh thực phẩm chức năng chưa bao giờ nở rộ như hiện nay với hàng nghìn sản phẩm thuộc các nhóm từ xương khớp, dạ dày, thận, sinh lý… tràn ngập thị trường. Vì vậy, thị trường thực phẩm chức năng như miếng bánh béo bở khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp muốn hưởng lợi.

Chính sự phát triển quá nóng của thị trường này những năm gần đây kéo theo tình trạng tiêu cực, những góc khuất như kinh doanh thực phẩm chức năng trá hình, sử dụng chất cấm… Phổ biến nhất là việc giả danh thần y, bài thuốc gia truyền, mạo danh người nổi tiếng, thầy thuốc để quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng… Hiện tượng này được đẩy lên cao trào trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội.

Không khó để tìm thấy những đoạn video quảng cáo “chèn”, “nhảy ngang” với những nội dung lặp đi lặp lại tựa đề “đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân bị đại tràng, xương khớp, viêm xoang...” hay “nhà tôi ba đời chữa trị xương khớp”, “ai bị bệnh bạc tóc, dạ dày, nám da hãy gọi ngay cho tôi, tôi cam kết chữa dứt điểm không tái phát lại”... các quảng cáo xuất hiện với tần suất dày đặc lặp đi lặp lại nhiều lần trên mạng xã hội. Đa số các quảng cáo đều gắn chung hình ảnh lương y, bác sĩ và các bệnh viện, nhà thuốc nổi tiếng để lấy lòng tin người tiêu dùng.

 Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bị lợi dụng gắn mác quảng cáo cho một sản phẩm chữa vô sinh

Trong hành trình tìm hiểu, vạch trần hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có khả năng điều trị từ xương khớp, dạ dày, gan, trĩ, tăng cường sinh lý, làm đẹp… giảm – tăng cân… PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận thấy một hiện tượng, có công thức lặp đi lặp lại là lợi dụng uy tín của rất nhiều thầy thuốc uy tín, bác sỹ đang công tác tại các trung tâm y tế lớn của cả nước để quảng cáo cho thực phẩm chức năng.

Bắt đầu từ việc mời tham gia hội nghị ra mắt, giới thiệu sản phẩm, hội nghị y khoa… rồi được cắt ghép, dán hình ảnh để những chuyên gia đầu ngành trở thành “công cụ”, người “bảo hộ” chuyên môn… cho các trung tâm điều trị gắn với tên sản phẩm. Và sự thật, đến những người bị mạo danh cũng hoàn toàn bất ngờ vì tên tuổi họ được gắn để quảng cáo cho một sản phẩm mà lần đầu họ được biết tên, thậm chí, có những chuyên gia không chỉ bị một mà hàng chục thương hiệu khác nhau lợi dụng, gắn hình ảnh để quảng cáo lừa dối người tiêu dùng.

“Tôi cũng thấy sợ”

Điển hình như trường hợp bác sĩ Lê Mạnh Cường - Phó giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, tên tuổi của ông bị mạo danh nhan nhản trên mạng xã hội dù bản thân không quảng cáo cho sản phẩm nào. Ví như sản phẩm Đại tràng Ông Lạc cũng cắt ghép video, hình ảnh của ông, thậm chí lập facebook giả mạo thông tin, điện thoại bác sĩ Cường sẽ tư vấn trực tiếp.

“Thấy vậy bức xúc lắm mà không làm gì được, nhiều lần tôi đề nghị họ gỡ xuống nhưng đều không được. Thậm chí giám đốc của công ty này đến gặp tôi và mong muốn hợp tác, sử dụng tên tuổi của tôi để quảng cáo, nhưng tôi không chấp nhận. Tôi không đi bán thuốc dạo cho ai cả...”.

Thực chất, quá trình PV Chất lượng Việt Nam thâm nhập trực tiếp vào đại bản doanh bán Đại tràng Ông Lạc mới tận mắt chứng kiến đội nhóm “bác sĩ” online không có bằng cấp chuyên môn nhưng lại tư vấn, chẩn bệnh cho khách hàng theo kịch bản dựng sẵn mà không hề có sự can thiệp hay “bảo hộ” về chuyên môn của bác sỹ Cường như đội ngũ kinh doanh sản phẩm này quảng cáo.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Hải cũng là một "thương hiệu" quen thuộc bị lợi dụng để quảng cáo trái phép 

Trong quá trình tìm hiểu, một cán bộ của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cũng cho biết, rất nhiều sản phẩm mạo danh uy tín của Viện để bán TPCN. Những sản phẩm của viện thường chỉ lưu hành nội bộ chứ không quảng cáo, tư vấn tràn lan trên mạng. Thủ đoạn của nhóm này rất đơn giản, lợi dụng uy tín của Bệnh viện sau đó gọi điện tư vấn cho khách hàng, qua điện thoại có thể bắt bệnh online, dọa bệnh và ép mua thuốc, khi khách hàng hỏi về nguồn gốc thì đều giới thiệu là sản phẩm của BV Y học Cổ truyền Trung ương. Nhưng vì tin vào những lời quảng cáo “có cánh” mà rất nhiều người “sập bẫy” và sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm, thậm chí tái đơn rất nhiều để rồi tiền mất tật mang.

Hay trường hợp BS.Lê Lương Đống – Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền Bộ Y tế cho biết, thời gian qua hình ảnh và tên tuổi của ông bị rất nhiều cơ sở gắn mác. Có những trang Facebook lập đầy đủ tên tuổi, chức vụ của ông quảng cáo về một sản phẩm dưới danh nghĩa bài thuốc do ông nghiên cứu. Không những vậy có website sử dụng hình ảnh gắn sản phẩm trên tay ông Đống và mạo danh ông tư vấn cho người dùng.

“Tôi đếm qua cũng có đến 22 cơ sở sử dụng tên tuổi của tôi để quảng cáo sai phạm như: sản phẩm dạ dày Yakumi, xương khớp Đại Việt, sinh lý... Có lần tôi để lại số điện thoại mà họ nhận là bác sĩ Đống tư vấn. Không có chuyên môn nhưng cũng tư vấn, đe nẹt, họ lươn lẹo khiến tôi cũng thấy sợ. Người thân của tôi cũng bị lừa mua sản phẩm vì nghĩ là tôi bán. Nhiều lần gọi điện yêu cầu gỡ thông tin nhưng họ chỉ hứa suông xong lại để vậy”, bác sĩ Đống bức xúc.

Lương y Triệu Thị Thanh (Ba Vì, Hà Nội) bức xúc vì hình ảnh cá nhân bị lợi dụng quảng cáo

Nạn nhân khác là lương y Dương Thị Hiến (Ba Vì, Hà Nội). Vị lương y bỗng nổi tiếng trên mạng xã hội khi hình ảnh của bà được gán với TPBVSK Toha Fast. Tổ chức kinh doanh cùng đội ngũ “bác sĩ” online tư vấn sản phẩm này có tác dụng điều trị sỏi thận “sỏi to mấy cũng dứt điểm”.

Không những vậy, họ còn trắng trợn quảng cáo Toha Fast là bài thuốc của lương y Hiến đã chữa trị khỏi cho hàng ngàn bà con khắp cả nước. Quá trình trao đổi với PV, lương y Hiến cho hay bài thuốc trên không phải của mình, bà chỉ bán một số nguyên liệu của nhà trồng được cho Công ty TNHH TOHANO Việt Nam.

Cũng là người thường xuyên bị mạo danh trên mạng xã hội, bác sỹ Nguyễn Thị Nhã - Bệnh viện Bưu điện Hà Nội bức xúc phản ánh, nhiều cơ sở ngang nhiên sử dụng hình ảnh, tên tuổi của bà để quảng cáo cho các sản phẩm phụ khoa, rụng tóc... “Điều này ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi và bệnh viện. Nguy hại hơn, người dân cả tin nghe theo những lời quảng cáo đó, khiến họ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang”, bác sĩ Nhã lo ngại.

Còn nữa!

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang