Bị siết chặt quản lý chất lượng, doanh nghiệp ô tô kêu khó

author 06:29 30/05/2017

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô bị siết chặt hơn trong quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ ô tô.

Siết chặt quy định về chất lượng

Liên bộ Giao thông Vận tải-Công Thương vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô gồm 6 Chương, 39 Điều được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu cơ bản.

Không chỉ chú trọng đến các vấn đề về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị sửa chữa, bảo hành ô tô, dự thảo nghị định này còn nêu lên vấn đề về trách nhiệm bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ và thiết kế của từng kiểu loại ô tô phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đối với kiểu loại ô tô khi có sự thay đổi nhằm tăng tính tiện nghi và thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật cơ bản tại Phụ lục 4 thì doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được sử dụng kết quả chứng nhận đã được Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho kiểu loại ô tô trước đó.

Đối với các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành của ô tô phải được thử nghiệm và chứng nhận tại Việt Nam đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc áp dụng yêu cầu kỹ thuật hoặc thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận xe cơ giới thì áp dụng quy định tại Điều ước quốc tế đó.

 Doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ và thiết kế của từng kiểu loại ô tô

Dự thảo nghị định cũng nêu rõ kiểu loại chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành của ô tô được sản xuất ở nước ngoài đã được thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểu loại bởi cơ quan quản lý chất lượng ở Việt Nam thì các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô khi nhập khẩu các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành đó được sử dụng kết quả chứng nhận mà không cần tiến hành thử nghiệm, chứng nhận lại.

Kết quả kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho nhà sản xuất phải được công bố theo quy định.

Đối với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, dự thảo nghị định nêu nêu rõ các cơ sở này phải có mặt bằng, nhà xưởng đảm bảo phục vụ việc thực hiện bảo hành, bảo dưỡng. Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp trong thời gian tối thiểu 5 năm.

Bên cạnh đó, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng cũng cần phải có các khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho phụ tùng, khu vực rửa xe đáp ứng được công việc.

Đặc biệt, trong dự thảo lần này có quy định cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải có thiết bị chẩn đoán động cơ và tình trạng kỹ thuật của xe đối với ô tô có trang bị ECU điều khiển.

Bộ phận ECU trang bị phải phù hợp với các loại xe cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, phần mềm thiết bị chẩn đoán phải tuân thủ các qui định về sở hữu trí tuệ, được cung cấp bởi nhà sản xuất xe ô tô.

Các điều kiện của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô nêu trên phải đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng, trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đối với cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô theo các loại ô tô tương ứng tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11794 Tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và các phương tiện tương tự.

Doanh nghiệp kêu khó

Trong thời gian lấy ý kiến của dư luận và doanh nghiệp, dự thảo Nghị định về các điều kiện sản xuất và nhập khẩu ô tô vừa được Bộ Công Thương đưa ra đã gặp phải những ý kiến trái chiều.

Ngoài điều kiện về sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, điểm mấu chốt tại bản dự thảo khiến các doanh nghiệp nhập ô tô không chính hãng quan ngại là yêu cầu phải có phần mềm chính hãng từ nhà sản xuất xe để đọc thiết bị chuẩn đoán ECU (bộ xử lý và điều khiển điện tử trung tâm, tiếp nhận và xử lý các tín hiệu theo chương trình định sẵn).

Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc, quy định doanh nghiệp phải có phần mềm đọc ECU để xác định lỗi động cơ do nhà sản xuất xe cung cấp là bất hợp lý, chẳng khác gì Thông tư 20 “trá hình”.

Lý giải về nhận định này, ông Tuấn cho rằng hiện các xe nhập khẩu từ các nước hầu hết đã theo chuẩn Euro 4, sử dụng công nghệ phun xăng điện tử và được trang bị ECU. Máy đọc lỗi ECU có nhiều loại và nhiều nhà cung cấp phần mềm tương thích, phát hiện lỗi ô tô với tính năng như nhau. 

 Quy định doanh nghiệp phải mua phần mềm đọc lỗi chính hãng đang vấp phải phản ứng trái chiều.

Với các hãng sản xuất xe nếu đã có nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam, họ sẽ chỉ cung cấp phần mềm đọc ECU của mình cho các nhà phân phối của họ chứ không cung cấp cho doanh nghiệp khác.

"Nếu không có phần mềm chính hãng đọc ECU thì sẽ không đủ điều kiện cấp phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe. Đồng nghĩa, doanh nghiệp không được cấp giấy phép kinh doanh ôtô nhập khẩu", ông nói Tuấn nói.

Cũng theo vị này,  hiện nay trên thị trường và các nước phát triển, máy đọc lỗi ECU, bộ phận điện tử của ô tô có rất nhiều loại và rất nhiều loại phần mềm tương thích, có thể đọc được lỗi của ô tô với tính năng như nhau.

Chính vì vậy, theo ông Tuấn, chỉ cần máy đó chính hãng, phần mềm chính hãng - được quốc tế công nhận là được phép lưu hành, không cần đến sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất.

Bảo vệ sức khỏe, quyền lợi và an toàn của người tiêu dùng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ô tô các loại thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2), có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng khi tham gia lưu thông trên đường, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng và sức khỏe của người sử dụng mà còn an toàn của những người tham gia giao thông khác.

Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành nhằm mục tiêu:

- Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường; bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc bảo hành, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ. Thiết lập cơ chế hợp lý và có hiệu quả để hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường;

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế các hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh;

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, hướng tới mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ô tô phù hợp với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đặt ra trong Chiến lược, Quy hoạch ngành công nghiệp ô tô.

 

Bảo Bình

Những chiếc ô tô cũ 7 chỗ giá rẻ, nên mua hiện nay(VietQ.vn) - Ô tô cũ 7 chỗ giá rẻ dưới đây như Toyota Innova 2008 – 2010, Mitsubishi Jolie 2004 – 2009,… là gợi ý cho những ai đang muốn mua ô tô cũ 7 chỗ giá rẻ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang