Bị sởi, nếu không đưa vào viện Nhi thì chuyển viện nào?

author 06:00 19/04/2014

(VietQ.vn) - Để ngăn chặn dịch sởi, Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ bệnh viện Xanh pôn, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Đống Đa.

Bộ Y tế nhận định, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, chủ yếu lây qua đường hô hấp, có khả năng lây nhiễm rất cao đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi.  

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến ngày 18/4/2014 ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi. Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc xin sởi. Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur hiện nay các chủng vi rút sởi gây bệnh tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của vi rút sởi.

Bệnh sởi

Bệnh sởi

Đến nay đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong xác định do sởi trong số 112 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi.Số tử vong ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc, trong đó 50% số trẻ tử vong tại Hà Nội.

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh sởi năm 2014 có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010, tuy nhiên số trường hợp mắc nặng và tử vong sẽ tiếp tục gia tăng do: 1) Một số bệnh nhân là trẻ em nhỏ trong đó có nhiều trẻ em dưới 9 tháng tuổi nên dễ diễn biến nặng phải điều trị thời gian dài; 2) Do quá tải bệnh nhân nên việc kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện khó khăn; 3) Điều kiện thời tiết giao mùa thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển; 4)Tâm lý lo lắng cho các gia đình đã đưa trẻ đến khám chữa bệnh vượt tuyến tại Bệnh viện Nhi trung ương và các bệnh viện của thành phố Hà Nội gây hiện tượng quá tải cục bộ.

Để sớm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế sẽ tăng cường rà soát quy trình khám và điều trị bệnh, sàng lọc phân loại bệnh nhân nghi Sởi ngay tại Khoa Khám bệnh để có phương án điều trị hiệu quả; kiểm soát phòng chống lây nhiễm chéo đối với bệnh nhi đang điều trị trong bệnh viện, phân tuyến điều trị phù hợp.

Rà soát pháp đồ điều trị Sởi cho phù hợp, tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tử vong ở trẻ thông qua việc bổ sung các máy máy thở, cung ứng các phương tiện và thuốc đầy đủ; bảo đảm dinh dưỡng cho các cháu điều trị tại bệnh viện, đặc biệt các cháu khó ăn uống nhằm nâng cao thể trạng cho bệnh nhi; áp dung chế độ, chính sách bồi dưỡng cho cán bộ y tế tại Bệnh viện Nhi cũng như khoa Nhi các bệnh viện trong công tác phòng chống bệnh Sởi

Thiết lập hệ thống bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho các bệnh viện Trung ương, trong đó giao các bệnh viện trung ương hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, cụ thể Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ bệnh viện Xanh pôn, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Đống Đa.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, dịch sởi năm nay xảy ra ở hầu hết các nước trong khu vực, kể cả nước đã công bố loại trừ dịch sởi. Ông khẳng định tiêm vắc xin vẫn là biện pháp phòng chống bệnh này hữu hiệu nhất.

Theo ông, việc không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch. Trước đây, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giám sát và phòng dịch sởi, trong đó nhấn mạnh có 1 ổ dịch sởi với 3 trường hợp trở lên, trong đó 2 trường hợp nhiễm là thông báo dịch, WHO cũng gọi là thông báo dịch. Ông cho rằng, từ “công bố” ở mức độ cao hơn từ “thông báo”.

Hiện có 61 tỉnh có bệnh nhân mắc Sởi.

Hà Thanh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang