'Bông hoa' Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

author 06:41 07/02/2021

(VietQ.vn) - “Còn nhớ, lúc mới bắt đầu làm quen với khái niệm hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, TQM, 5S… tôi nghe tiếng Anh còn bập bõm vì khái niệm quá mới mẻ. Nhưng chính sự mới mẻ đó đã cuốn hút tôi làm việc, tìm tòi và tham gia mảng hợp tác quốc tế, học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài, đưa năng suất chất lượng vào Việt Nam và gắn bó với nghề đến bây giờ…”.

Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, như Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Trần Văn Vinh từng nói: “Hoạt động quản lý TCĐLCL đã có những tác động tích cực đối với nền kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất, kinh doanh”. Có được thành công ấy, chúng ta không thể không nhắc đến những con người - những “mắt xích” quan trọng vẫn ngày đêm gắn bó với nghề, đem tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng “đời càng đời hơn”.

Năm 2020 qua đi với nhiều biến động, thăng trầm, như một lời tri ân cùng mong muốn tôn vinh những đóng góp, trải nghiệm trong công việc, cuộc sống, kinh nghiệm làm nghề của những người làm việc trong lĩnh vực TCĐLCL, đặc biệt là những người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực được coi là “vừa khó, vừa khổ” - phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cuối năm với bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng Suất (VNPI) - Tổng cục TCĐLCL.

 Bà Nguyễn Thu Hiền phát biểu trong một chương trình hội nghị

Thưa bà, cơ duyên như thế nào lại đưa baf tới làm việc ở lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trong đó mảng năng suất chất lượng được coi là “vừa khó, vừa khổ”?

Với tôi, đúng là nghề chọn người. Tôi đến với lĩnh vực TCĐLCL là một cơ duyên bởi tôi tốt nghiệp ngành luật kinh tế tại CHLB Nga. Thế nhưng, khi về nước là thời điểm Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế ASEAN, APEC, APO. Ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng hội nhập với xu hướng quốc tế. Năng suất chất lượng lần đầu tiên được phổ biến tại Hội nghị chất lượng lần thứ 1. Năm 1996, bộ phận năng suất thuộc Ban Kế hoạch hợp tác được thành lập. Tôi được các anh chị nhận vào làm mảng hợp tác với ASEAN, tham gia dự án của EU hỗ trợ nâng cao năng lực ngành tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, sau đó là hợp tác với APO, chuyển giao phương pháp áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế vào các doanh nghiệp Việt Nam. Còn nhớ lúc đó chúng tôi mới bắt đầu làm quen với khái niệm hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, TQM, 5S… nghe tiếng Anh còn bập bõm vì khái niệm quá mới mẻ. Nhưng chính sự mới mẻ đó cuốn hút tôi làm việc, tìm tòi và tham gia mảng hợp tác quốc tế, học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài, đưa năng suất chất lượng vào Việt Nam và gắn bó với nghề đến bây giờ.

Quá trình làm việc, trải nghiệm về hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, điều gì làm bà ấn tượng và nhớ mãi?

Ấn tượng và trải nghiệm qua 25 năm có thể nói rất nhiều. Mỗi giai đoạn của hoạt động năng suất chất lượng lại có những kỷ niệm đọng lại. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên khi tôi bước chân vào nghề là chuyến đi nước ngoài họp ACCSQ với cố Tổng cục trưởng Nguyễn Hữu Thiện ở Malaysia đầu năm 1996.

Đoàn chúng tôi tới thăm và làm việc tại Cơ quan Năng suất Malaysia (MPC), được nghe giới thiệu về hoạt động năng suất, vai trò của cơ quan năng suất quốc gia trong phát triển kinh tế xã hội, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Họ cũng tặng đoàn cuốn Báo cáo Năng suất của Malaysia. Lúc kết thúc làm việc, cố Tổng cục trưởng cám ơn và thể hiện mong muốn Việt Nam có các chương trình năng suất quốc gia và có một Cơ quan Năng suất quốc gia như Malaysia, cũng như sẽ có ấn phẩm Báo cáo Năng suất và mong muốn được MPC hỗ trợ cho Trung tâm Năng suất Việt Nam (lúc đó còn chưa thành lập) phát triển như MPC. Sau này chúng tôi cứ đau đáu để ra được ấn phẩm Báo cáo Năng suất Việt Nam và các chuyên gia APO và MPC đã hỗ trợ rất nhiều. Một điều thú vị nữa là, hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp khi nhận phụ trách Viện Năng suất Việt Nam thì nước đầu tiên muốn sang học tập về năng suất cũng là Malaysia! 

 Bà Nguyễn Thu Hiền – Phó Viện trưởng Viện Năng Suất (VNPI) – Tổng cục TCĐLCL.

Có chuyên gia nói rằng, khi đi đánh giá, đi huấn luyện, tư vấn cho doanh nghiệp nhiều về những công cụ, biện pháp nâng cao năng suất chất lượng, những công cụ ấy như “ngấm vào máu”, làm ảnh hưởng tới cả cuộc sống đời thường gia đình, bà có thấy thế không? (như áp dụng 5S vào gia đình, KPI vào công việc, đời sống...)

Không chỉ riêng tôi và các đồng nghiệp đi tư vấn, đào tạo cho doanh nghiệp đưa phương pháp quản lý vào đời sống mà các thành viên tham gia dự án áp dụng hệ thống quản lý và công cụ tại doanh nghiệp cũng chia sẻ như trên tại các buổi tổng kết dự án. Phương pháp cải tiến để nâng cao năng suất đã được đúc kết từ quản lý doanh nghiệp, gắn với hiệu quả, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chính vì vậy khi áp dụng thành quen rồi, như áp dụng phương pháp 5S đến mức S4 - Săn sóc và S5 - Sẵn sàng thì việc quản lý công việc một cách khoa học trở thành kỹ năng của mình, là một phẩm chất con người mình. Hoặc như áp dụng KPI vào làm việc luôn gắn với mục tiêu và kế hoạch thì cuộc sống, công việc cũng sẽ thuận lợi hơn.

Đi công tác nhiều, thậm chí đi nước ngoài nhiều ngày, vậy làm sao để bà cân bằng được giữa công việc và gia đình?

Đây là vấn đề khó chung với tất cả chị em phụ nữ! May mắn là gia đình rất ủng hộ và động viên nên mới có thể thu xếp được thời gian dành cho công việc, những chuyến công tác trong và ngoài nước. Các cháu cũng được luyện từ bé sống tự lập những lúc mẹ đi công tác nên ngoài việc học cũng tham gia việc nhà. Nói vậy chứ mỗi lần nhận danh hiệu “Giỏi việc nước đảm việc nhà” ở cơ quan là tôi lại mang về nhà và trao lại cho cả nhà cùng nhận, cùng liên hoan. Tôi cũng phải cố gắng dành thời gian những ngày cuối tuần cho gia đình, chia sẻ cả những khó khăn và niềm vui trong công việc. Hướng dẫn cả nhà thực hiện 5S như một thực hành vui cho các thành viên trong gia đình để hiểu công việc của mình hơn và quản lý cuộc sống khoa học hơn.

Trân trọng cảm ơn bà!

Lật tẩy thủ đoạn làm giả nhãn hiệu mì chính(VietQ.vn) - Mì chính là sản phẩm được làm giả khá nhiều trong thời gian qua. Mới đây, lực lượng QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh mì chính giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto.

Hà My - Ngọc Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang