Ứng dụng công nghệ lưới đuôi vây vào khai thác cá ngừ đại dương

author 18:34 20/10/2015

(VietQ.vn) - Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ khai thác cá ngừ bằng lưới đuôi vây vùng biển Việt Nam” với mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng cá ngừ đại dương đánh bắt được.

Sự kiện: Khám phá đại dương

Để mở ra hướng phát triển mới cho nghề lưới vây đuôi nước (đặc biệt là lưới vây khai thác cà ngừ) nhằm giúp ngư dân nâng cao năng suất chất lượng cá ngừ đại dương đánh bắt được hàng năm trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, từ năm 2011, Bộ KH&CN đã phê duyệt và yêu cầu triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ khai thác cá ngừ bằng lưới đuôi vây vùng biển Việt Nam” (Mã số: KC.06.23/11-15) do ThS. Đoàn Văn Thụ, Viện Nghiên cứu Hải sản làm chủ nhiệm.

Ngày 13/10 vừa qua, đề tài khoa học này vừa được nghiệm thu cấp nhà nước tại Hà Nội. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn tàu lưới vây mạn TG2467TS (tàu thí nghiệm) triển khai các nội dung nghiên cứu. Đồng thời đề tài cũng tiến hành thu nhập số liệu các mẻ của tàu lưới vây TG1397TS (tàu đối chứng). Tất cả tàu tham gia đề tài đều đã được cấp phép hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam điều kiện sóng gió cấp 6 – 7.

Đề tài tập trung vào nghiên cứu quy trình công nghệ khai thác cá ngừ đại dương bằng lưới đuôi vây ở vùng biển Việt Nam

Đề tài tập trung vào nghiên cứu quy trình công nghệ khai thác cá ngừ đại dương bằng lưới đuôi vây ở vùng biển Việt Nam

Nhóm nghiên cứu cho biết, các tàu thí nghiệm đều được lắp ghép các thiết bị hiện đại như máy dò cá đứng, máy định vị, đàm thoại tầm xa, tầm gần, radio, hệ thống ánh sáng,…  Ngoài ra, để đảm bảo năng suất đánh bắt, các tàu còn được lắp thêm một số thiết bị như la bàn vệ tinh, chà tập trung cá, máy chuyển nước biển thành nước ngọt, máy dò cá ngang, máy đo dòng chảy,…

Trao đổi với báo chí, ThS. Đoàn Văn Thụ cho biết, sau 4 năm tiến hành thí nghiệm, đề tài đã xây dựng dựng được quy trình công nghệ khai thác cá ngừ bằng lưới vây đuôi ở vùng biển Việt Nam đạt hiệu quả cao, từ đó tìm ra được tàu lưới vây đuôi và hệ thống thiết bị khai thác phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cụ thể, mẫu tàu luôn hoạt động trong điều kiện sóng, gió cấp 6-7; tính quay trở của tàu động cơ cao hơn so với tàu lưới vây mạn khi thả lưới; thiết bị khai thác lắp đặt trên boong phù hợp, đảm bảo độ bền, tiện lợi cho việc thả và thu lưới vây phía sau đuôi, rút ngắn được thời gian thao tác mẻ mới.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng cải tiến được mẫu lưới vây phù hợp với tàu, thiết bị, ngư trường và đối tượng khai thác. Đặc biệt đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ khai thác đơn giản, dễ thao tác, giảm số lượng lao động, giảm cường độ lao động cho thủy thủ và nâng cao được hiệu quả khai thác cho nghề lưới vây.

Nói về hiệu quả kinh tế, TS. Nguyễn Duy Chỉnh, Chuyên gia độc lập, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho rằng đề tài đã ứng dụng thành công công nghệ lưới vây ở vùng biển Việt Nam, góp phần phát triển xa bờ, mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nghề lưới vây mạn, tăng sản phẩm kim ngạch và xuất khẩu. Ngoài ra trong quá trình áp dụng công nghệ, đã có nhiều tổ chức cá nhân quan tâm, đặc biệt đã cung cấp mẫu lưới vây cho Tổng cục Thủy sản làm cơ sở thiết kế các mẫu tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Với công nghệ đánh bắt hiện đại, năng suất và chất lượng cá ngừ đại dương khai thác được hàng năm sẽ được nâng cao gấp bội

Với công nghệ đánh bắt hiện đại, năng suất và chất lượng cá ngừ đại dương khai thác được hàng năm sẽ được nâng cao gấp bội

Đáng chú ý, chỉ vài ngày trước khi đề tài được nghiệm thu, một nhóm các chuyên gia thủy sản của Nhật Bản đã ra khơi cùng ngư dân tỉnh Bình Định trên 3 tàu cá, bắt đầu thực hiện chuyến thực nghiệm đầu tiên về khai thác cá ngừ đại dương bằng trang thiết bị, công nghệ của Nhật. Theo kế hoạch, trong 5 ngày tính từ ngày 6/10, nhóm chuyên gia đã cùng 6 cán bộ kỹ thuật của ngành NN&PTNT tỉnh Bình Định sẽ trực tiếp hướng dẫn ngư dân sử dụng bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương, phương pháp xử lý, bảo quản sản phẩm trên tàu cá.

Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh đã chọn 25 tàu cá của ngư dân tham gia mô hình chuỗi liên kết khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương. Mỗi tàu cá tham gia mô hình được hỗ trợ lắp đặt một bộ thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương công nghệ Nhật, máy dò cá, các dụng cụ sơ chế cá, bảo hộ lao động cùng 30 triệu đồng để nâng cấp hầm bảo quản. Sản phẩm của các tàu cá này được một doanh nghiệp ở Bình Định bao tiêu, sau đó lựa chọn đưa sang Nhật. Được biết Bình Định cũng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam trực tiếp đưa cá ngừ đại dương sang thị trường Nhật.

Trịnh Thịnh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang