Cải thiện môi trường làm việc, nâng cao năng suất lao động

author 16:05 19/04/2017

(VietQ.vn) - Bên cạnh máy móc công nghệ thì vai trò quan trọng của người lao động là rất quan trọng. Do đó cần cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động tại doanh nghiệp.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Xuất phát từ triết lý con người là trung tâm của sự phát triển, mô hình thực hành 5S đã được áp dụng tại Nhật Bản như 1 nền tảng để áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu áp dụng mô hình này thành công.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng chú trọng hơn đến việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, mà điều đó, bên cạnh máy móc công nghệ còn có vai trò quan trọng của người lao động. Nếu người lao động đồng lòng nhất trí thì có thể giải quyết được mọi việc, còn nếu họ không thấy hài lòng, không thấy muốn cống hiến thì doanh nghiệp khó có thể thay đổi hiện trạng.

Cải thiện môi trường làm việc, nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động. Ảnh minh hoạ

Ông Kazuteru Kuroda – Chuyên gia tư vấn năng suất, Tổ chức Năng suất Nhật Bản (JPC) cho biết, có 3 yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp, đó là: người lao động (nhằm đánh giá mức độ hài lòng của họ đối với doanh nghiệp), việc công bố thông tin (mọi thông tin cần được rõ ràng, minh bạch để người lao động hiểu hơn về doanh nghiệp) và làm việc theo nhóm (tăng cường tính đoàn kết và sức mạnh tập thể). Bởi vậy, cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động tại doanh nghiệp là điều rất cần thiết” - Ông Kazuteru Kuroda cho biết.

"Có 3 điểm yếu mà doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải là thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và người lao động thiếu nhiều kỹ năng cần thiết. Ông khẳng định tầm quan trọng của yếu tố “con người” trong mỗi tổ chức. Họ cần thay đổi để tạo ra hệ thống mới cho tổ chức" - Ông Kazuteru Kuroda chia sẻ.

Dự án “Cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động” nằm trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển của JICA, do các tổ chức phi chính phủ (NGO), trường đại học, chính quyền địa phương… của Nhật Bản thực hiện nhằm vận dụng và phát huy những kinh nghiệm và công nghệ của mình trong các hoạt động hỗ trợ cho các nước đang phát triển.

Các dự án sẽ triển khai hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở thông qua con người với mục đích cải thiện cuộc sống và sinh kế của người dân và do chính các tổ chức của Nhật Bản trực tiếp thực hiện. Dự án được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và vấn đề chất lượng sản phẩm là một yếu tố quan trọng để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Thông qua dự án, các doanh nghiệp Việt Nam có cách tiếp cận mới về năng suất và chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Bộ KH&CN khẳng định, việc cải tiến năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp hiện nay có vai trò hết sức quan trọng. Mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” sẽ có 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng. Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên ít nhất 35% vào năm 2020.

Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang