Báo động phát hiện 2 dạng chất cấm trong chăn nuôi mới

author 06:26 02/01/2016

(VietQ.vn) - Gần đây đã xuất hiện các loại chất cấm trong chăn nuôi mới là dạng biệt dược dạng lỏng, các loại thuốc an thần gây mê dùng cho lợn.

Sự kiện: Hóa chất trong thực phẩm

Báo Hải Quan dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng đã xác định thêm hành vi mới trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đó là việc sử dụng chất cấm là các dạng biệt dược dạng lỏng, các loại thuốc an thần gây mê dùng cho lợn như Combistress và Prozil được nhập khẩu từ nước ngoài theo dạng thuốc thành phẩm.

Báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ NN&PTNT (Ban chỉ đạo 389 Bộ NN&PTNT) cho thấy: Qua điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng cung cấp chất cấm dưới dạng biệt dược dạng lỏng cho 2 trại chăn nuôi lợn ở Đồng Nai sử dụng, đồng thời đối tượng đang tiến hành đưa ra miền Bắc cung cấp tại các tỉnh Hưng Yên và Bắc Giang.

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây ra nhiều hiểm họa khó lường

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây ra nhiều hiểm họa khó lường. Ảnh minh họa

Chất lỏng này được xác định là thuộc nhóm Beta-Agronist với giá thành đối tượng cung cấp là 1,5 triệu đồng/lọ 20ml và tiêm trực tiếp cho 20 con heo ở giai đoạn 20 ngày trước khi xuất chuồng. Đây là hành vi vi phạm hết sức nguy hại. Thanh tra Bộ NN&PTNT đang theo sát hoạt động của đối tượng và phối hợp với lực lượng công an để điều tra, làm rõ.

Được biết, thời gian qua, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phía Nam: TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bình Dương… và một số tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.

Trong năm 2015 vừa qua, Bộ NN & PTNT đã tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm dịch động vật, thực vật và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất xử lý cải thạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản... Kết luận thanh tra kiến nghị thu hồi 11,5 tỷ đồng và buộc thôi việc đối với 3 viên chức do có sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ trong chứng nhận hợp quy phân bón…

Điểm mới trong vấn đề thanh tra trong năm 2015 là việc thường xuyên thanh tra đột xuất, xác định rõ đối tượng thanh tra trọng tâm, thanh tra chuyên ngành đã có sự phối hợp với lực lượng công an như: Cục An ninh kinh tế nông nghiệp, nông thôn (A86), Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm và tham nhũng (C46), Phòng chống tội phạm về môi trường(C49) để phát huy thế mạnh của các bên, từ khâu trinh sát, triển khai đến xử lý vi phạm.

Từng có trường hợp phát hiện thịt lợn chứa tồn dư chất cấm trong chăn nuôi vượt 431 lần

Từng có trường hợp phát hiện thịt lợn chứa tồn dư chất cấm trong chăn nuôi vượt 431 lần. Ảnh minh họa

Qua thanh tra cho thấy, thủ đoạn đưa chất cấm vào chăn nuôi như bán kèm theo thức ăn, thương lái ép người chăn nuôi phải sử dụng chất cấm… Đường dây nóng nhận được phản ánh thường xuyên. Qua kiểm tra tại các lò mổ phát hiện thấy tỷ lệ tồn dư chất cấm có trường hợp vượt 431 lần, tức là vừa cho gia súc ăn chất cấm đã đưa vào giết mổ, theo thông tin trên báo Lao Động Thủ Đô.

Đồng thời, cơ quan chức năng ngành nông nghiệp đã kiểm tra và phát hiện ra 16% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc; 7,6% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm nào đó.

Trước tình hình này, công tác thanh tra chuyên ngành nông nghiệp năm 2016 sẽ tập trung vào lĩnh vực, hoạt động mà thanh tra chuyên ngành của các tổng cục, cục triển khai không hiệu quả. Trong đó tổ chức các đoàn thanh tra để xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sử dụng kháng sinh cấm theo hình thức thanh tra đột xuất. Đồng thời tập trung kiểm tra chất cấm trong thủy sản, kháng sinh cấm, chất cải tạo môi trường cấm để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước.

Nguyễn Yên (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang