Chất lượng sản phẩm – yếu tố then chốt giúp xuất khẩu tăng trưởng bền vững

author 12:48 04/01/2021

(VietQ.vn) - Trong dài hạn, để bảo đảm được tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu, yếu tố then chốt nhất vẫn là tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm đi liền với cắt giảm chi phí vận hành để đưa ra thị trường các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ngay lập tức gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, từ việc tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa qua biên giới, đến làm gián đoạn chuỗi cung nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất nhiều loại hàng hóa trong nước. Trước tình hình đó, ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã quyết liệt chỉ đạo thực thi nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh tới xuất nhập khẩu.

Nhờ hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm vừa qua đã vượt khó, đạt nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu 2020 ước đạt 280 tỷ USD, tăng 5,9% so năm trước; xuất siêu đạt khoảng 19,1 tỷ USD. Tám mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD và 31 mặt hàng đạt kim ngạch hơn một tỷ USD. Kết quả này là tương đối ấn tượng khi so sánh với các quốc gia trong khu vực đều có tăng trưởng xuất khẩu âm hoặc không tăng trưởng.

Điểm sáng khác là sự tăng trưởng của các mặt hàng mới, bù đắp sụt giảm của các mặt hàng truyền thống, cụ thể như: đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận ước đạt 2,89 tỷ USD, tăng 48,7% so năm 2019; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 47,6%... Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 26,74 tỷ USD, tăng 46,1%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,7%; mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 44,3 tỷ USD, tăng 23,2%...

Năm 2021, xuất khẩu cùng với vốn đầu tư toàn xã hội và tiêu dùng nội địa vẫn sẽ là “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Theo nhận định từ các chuyên gia, bước sang năm 2021, xuất khẩu cùng với vốn đầu tư toàn xã hội và tiêu dùng nội địa vẫn sẽ là “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế, là động lực chính để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. 

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Thứ nhất, tập trung rà soát pháp luật trong quá trình thực thi các FTA để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các nội dung đã cam kết, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống luật pháp. Thứ hai, tăng cường phổ biến về nội dung cam kết, công việc cần triển khai cho các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo hơn thông qua phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu, chương trình phát thanh và truyền hình hoặc các lớp tập huấn, hội thảo; xây dựng các đầu mối hỗ trợ để thực thi hiệu quả; liên kết đầu mối thực thi tại các bộ, ngành và địa phương.

Thứ ba, nghiên cứu kỹ lưỡng từng mặt hàng tại thị trường cụ thể, từ đó định hướng doanh nghiệp về các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này, thông tin về nhu cầu nhập khẩu của các nước và định hướng hoạt động xúc tiến thương mại. Thứ tư, xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp, phù hợp cam kết quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thứ năm, sử dụng hiệu quả các công cụ phù hợp cam kết quốc tế, nhất là phòng vệ thương mại và phòng, chống gian lận xuất xứ. Triển khai các chương trình, đề án lớn về phòng vệ thương mại, phòng, chống gian lận xuất xứ nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy sản xuất trong nước, duy trì việc làm cho người lao động.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Trong dài hạn, để bảo đảm được tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu, yếu tố then chốt nhất vẫn là tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm đi liền với cắt giảm chi phí vận hành để đưa ra thị trường các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

Gần 7.000 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm(VietQ.vn) - Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (63%), 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (68%) được cắt giảm, đơn giản hóa; góp phần tiết kiệm chi phí xã hội với hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang