Chưa bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài

author 16:01 04/10/2013

Theo ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhiều khoản nợ tuy “xấu” trong mắt các ngân hàng Việt Nam, nhưng lại rất hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại.

Với nhiều rào cản pháp lý, việc mở cửa cho vốn ngoại tham gia xử lý nợ xấu chưa thể sớm bắt đầu. Do đó, để xử lý nợ xấu nhanh chóng, Việt Nam nên mở cửa cho nước ngoài tham gia như cách Thái Lan, Malaysia… đã làm.

bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoàiHiện có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia… đặc biệt quan tâm đến nợ xấu bất động sản Việt Nam     

Vốn ngoại nhắm vào nợ xấu bất động sản, ngân hàng

Ông Sameer Goyal cho hay: “Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nợ bất động sản Việt Nam, nhưng họ không biết mua theo cách nào. Họ chưa tiếp cận được thông tin về tài sản, chưa thể định giá, chưa biết rõ về chính sách, cách xử lý tài sản đó ra sao để có thể có lợi”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng khẳng định, hiện có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia… đặc biệt quan tâm đến nợ xấu bất động sản Việt Nam. Họ coi đây là cơ hội trăm năm để sở hữu bất động sản lâu dài ở Việt Nam với giá vừa phải.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, họ chỉ quan tâm một số loại bất động sản nhất định, như khách sạn, văn phòng và mặt bằng bán lẻ và chỉ ở những vị trí nhất định. Do đó, nếu khoản nợ xấu bất động sản nào rơi vào vùng quan tâm này thì sẽ rất dễ bán cho nước ngoài.

Dẫu vậy, bán nợ cho nước ngoài, không phải muốn là làm được, nhất là với cơ chế pháp lý về sở hữu bất động sản tại Việt Nam hiện nay. Trước đây, Thái Lan, Malaysia cũng đã phải thay đổi luật, cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.

“Nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam không phải để làm từ thiện. Nếu bỏ tiền ra mua một món nợ, thì họ phải sở hữu, phải nắm giữ được tài sản đó để có thể kiếm lợi nhuận”, ông Sameer Goyal nói thêm.

Cùng với bất động sản, ngân hàng cũng là lĩnh vực mà nhiều nhà đầu tư ngoại đang nhắm tới. “Nếu như tới đây, Việt Nam nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong một ngân hàng nội địa lên 49%, thì chắc chắn, luồng vốn sẽ đổ vào mạnh hơn. Trường hợp Tập đoàn tài chính UOB của Singapore muốn mua lại Ngân hàng GPBank của Việt Nam là một ví dụ”, ông Sameer Goyal phân tích.

Có thể “tự xử” 70 - 75% nợ xấu đến năm 2015

Việt Nam không chỉ đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Bằng chứng là từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, ngay cả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời cũng với mục tiêu nhắm vào các khoản nợ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản.

Nhận thấy khả năng kiếm lời béo bở từ thị trường bất động sản, nên việc các nhà đầu tư ngoại nhăm nhe nhảy vào không có gì là ngạc nhiên. Tương tự, với lĩnh vực ngân hàng, việc nới “room” lên tới 49% cho vốn ngoại cũng là cơ hội hiếm có.

Tuy nhiên, việc bán nợ xấu cho nước ngoài chưa thể sớm thực hiện. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực VAMC khẳng định, thời gian qua, rất nhiều tổ chức nước ngoài đặt vấn đề mua nợ xấu của Việt Nam. Tuy nhiên, VAMC chưa đặt vấn đề mua, bán nợ với bất cứ tổ chức nào.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong vài năm tới, Việt Nam chưa thể trông đợi vào bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, những rào cản về pháp lý, thủ tục bán nợ xấu, tỷ lệ sở hữu cổ phần, quyền nắm giữ đất đai… với nhà đầu tư nước ngoài chưa thể sớm tháo gỡ.

Trong khi đó, không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam không nên bán rẻ nợ xấu cho nước ngoài, mà trước hết phải tận dụng nguồn nội lực để xử lý nợ.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, từ nay đến năm 2015, Việt Nam có thể xử lý 70 - 75% nợ xấu. Theo tính toán của ông Kiên, hiện nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong đó, số nợ xấu có thể được xử lý từ nay đến năm 2015 là 140.000 tỷ đồng nhờ nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng và thông qua VAMC (VAMC dự kiến xử lý được 80.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu).

Song theo ông Sameer Goyal, nợ xấu của Việt Nam rất có thể lớn hơn con số 200.000 tỷ đồng. Với quy mô nợ xấu như vậy, cần tính toán kỹ việc có mở cửa cho nước ngoài mua nợ hay không, nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.

Theo Baodautu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang