Chứng minh thư có tội tình gì?

author 07:36 11/09/2014

“Giấy khai sinh có tội tình gì mà giờ chuyển thành thẻ căn cước? Chứng minh thư nhân dân (CMND) cũng không có tội tình gì cả. Việc này liệu có đáp ứng được cải cách hành chính không?”

chứng minh thư, thẻ căn cước, cải cách hành chính, đải biểu quốc hội, luật căn cước

Nhiều đại biểu hoạt động chuyên trách không đồng tình thay thế thẻ căn cước cho giấy khai sinh, CMND

Cho ý kiến về Dự án Luật Căn cước Công dân vào chiều 8/9, nhiều ĐBQH chuyên trách không đồng tình với việc “khai tử” CMND và giấy khai sinh khi ban hành thẻ căn cước công dân.

Về tính hiệu quả trong việc cấp căn cước cho các cháu dưới 14 tuổi, ĐB Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) băn khoăn không biết thực sự có lợi như dự thảo đề cập không. Thẻ căn cước ghi tên cha mẹ, trong khi giao dịch ở lứa tuổi ấy lại luôn gắn liền với tên bố, mẹ các cháu.

"Nếu không ghi tên trên thẻ mà chỉ ghi trong cơ sở dữ liệu, vậy khi các cháu khám bệnh có máy xác định đứa trẻ con ai không? Có tiện không? Làm thế sẽ không tiện. Rồi các văn bản khác đều đòi hỏi giấy khai sinh, tôi băn khoăn cấp thẻ này rồi vẫn không thay được giấy khai sinh. Nếu mất khoản tiền không nhỏ để cấp cho hàng chục triệu thẻ thì ban soạn thảo cần phải giải trình cho thuyết phục” - ĐB Nguyễn Anh Sơn nói.

ĐB Sơn cũng cho rằng, nếu không làm thẻ căn cước thì ngành công an vẫn tiến hành cấp mẫu CMND theo chất liệu mới. Loại chứng minh này rất bền, đẹp nên ĐB Sơn ủng hộ cấp CMND theo mẫu mới.

ĐBQH Trần Đình Long cũng khẳng định, không thể thay thế thẻ căn cước công dân cho giấy khai sinh của các cháu. Ông cho rằng, việc cấp thẻ căn cước rất tốn kém khi năm nào cũng phải sửa khoảng 4 triệu thẻ, đó là chưa nói thẻ cấp lần đầu. Do vậy ông đề nghị phải tính hiệu quả khi triển khai.

“Là người dân tôi quan tâm đến việc sẽ nhận thẻ căn cước này ở đâu, cơ quan thực hiện ở đâu, cũng như lệ phí làm thẻ căn cước, không có một lý do gì bắt dân đóng lệ phí. Nhà nước và Quốc hội khó xác định chính sách gì thu lệ phí này” – ĐB Long nói.

ĐB Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương) khẳng định quy định này “cần thiết nhưng chưa thực sự cấp thiết”. Ông cho rằng, số định danh nghe thì hay nhưng chưa lường hết được mọi vấn đề. Ví dụ như việc đăng ký biển số xe, công an đề xuất triển khai mà giờ vẫn chưa ổn định. Theo ĐB Khanh, nếu triển khai việc này dễ gây lãnh phí.

Qua trao đổi với các chuyên gia về công nghệ thông tin, ĐBQH đoàn Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh cho biết, ở các nước khác, khi cần làm gì họ chỉ cần mang một thẻ, nhưng đến nơi các cơ quan sẽ biết rõ anh là ai, đến từ đâu, như thế nào…

Theo ĐB Khánh, Việt Nam lần đầu làm nên phải tận dụng hệ thống tàng dư vốn có, nhưng Luật căn cước công dân lại chưa có sự kết nối. Chuyên gia công nghệ thông tin đề nghị nếu sử dụng số căn cước thì phải sử dụng lại CMND cũ, sẽ giảm tiện đi rất nhiều, nếu không kết nối sẽ rất tốn kém. ĐB Khánh đề nghị mời chuyên gia công nghệ thông tin vào cuộc để thực hiện hiệu quả nhất.

Giống như ATM, chủ tài khoản có thể truy cập được số tài khoản mình đang có. ĐB Ngô Văn Minh, đoàn Quảng Nam băn khoăn "không biết truy cập thông tin của chính mình như thế nào?". Luật này chưa cụ thể rõ ràng khi đề án 896 chưa tổng kết đánh giá cụ thể.

“Giấy khai sinh có tội tình gì mà giờ chuyển thành thẻ căn cước? CMND cũng không có tội tình gì. Việc này liệu có đáp ứng được cải cách hành chính không? Làm thẻ căn cước nhưng rồi lại đòi hộ khẩu mới giải quyết, thế thì làm sao gọi là cải cách hành chính? Rồi gắn tuổi cụ thể vào cũng là việc rất bất cập, lãng phí tốn kém” - ĐB Minh Ngô Văn Minh nêu.

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang