Đại hội Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXII: Dấu ấn mới, động lực mới

author 07:19 29/08/2015

(VietQ.vn) - Chiều 28/8 Phiên thứ nhất Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã diễn ra và hoàn tất công tác chuẩn bị cho phiên khai mạc sẽ chính thức được diễn ra long trọng vào sáng nay 29/8.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Bên thềm Phiên thứ nhất Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã dành cho Chất lượng Việt Nam phỏng vấn nhân Đại hội lần này.

Thưa Thứ trưởng, với vai trò là Bí thư Đảng ủy Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2010-2015, ông có đánh giá thế nào về kết quả trong việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng ủy Bộ KH&CN trong nhiệm kỳ vừa qua?

Trong nhiệm kỳ 2010-2015 Đảng bộ Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng của Bộ KH&CN lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, Đảng bộ, Chi bộ thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt được những kết quả tốt. 

Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN, trong giai đoạn 2010-2014, Bộ KH&CN đã xây dựng trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 02 văn bản luật (Luật Đo lường và Luật KH&CN), 78 văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 173 văn bản cấp Bộ.

Hệ thống văn bản pháp luật về KH&CN trong giai đoạn này, đặc biệt là Luật KH&CN năm 2013, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật và thể chế hoá Nghị quyết 20-NQ/TW đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, vững chắc cho việc xây dựng và triển khai cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng; phát huy sáng tạo trong hoạt động KH&CN; tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho cá nhân hoạt động KH&CN, tôn vinh và phát huy tối đa năng lực của các nhà khoa học, xác định các quyền lợi chính đáng mà người làm KH&CN được hưởng, từ đó động viên, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao cho hoạt động KH&CN. 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng

Bí thư Đảng ủy Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng

Những đổi mới trong hệ thống văn bản pháp luật trong giai đoạn này đã được cộng đồng KH&CN đánh giá cao và bước đầu tạo ra những kết quả nghiên cứu nổi bật, thúc đẩy ứng dụng kết quả KH&CN trong các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ tiếp tục được hoàn thiện nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo và bảo vệ các thành quả sáng tạo; các nội dung liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được đưa vào các bộ luật quan trọng như Bộ luật Dân sự sửa đổi, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Bên cạnh đó, Đảng bộ Bộ KH&CN đã tập trung vào công tác xây dựng Đảng. Thứ nhất là triển khai thực hiện các Nghị quyết, các Chỉ thị, văn bản của các cơ quan cấp trên. Chúng ta đã tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, có kết quả Chỉ thị số 03/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành những đợt sinh hoạt chính trị sâu và nâng cao nhận thức để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ… Đây là một đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa trong Đảng bộ Bộ KH&CN.

Chúng ta cũng đã thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay và việc kiểm điểm phê bình, tự phê bình trong Đảng bộ, Chi bộ đã được thực hiện dân chủ, công khai và đúng nguyên tắc. Qua những đợt kiểm điểm đó giúp cho các đảng viên, các tổ chức Đảng có thể nhận rõ những ưu điểm, những mặt hạn chế và đề ra những giải pháp góp phần nâng cao sức mạnh của Đảng bộ, Chi bộ. 

Theo Thứ trưởng, trong nhiệm kỳ vừa qua Đảng ủy Bộ KH&CN đã đạt được kết quả nổi bật gì?

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXI (2010-2015), Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành vượt mức các mục tiêu chủ yếu đã đề ra với nhiều quả nổi bật.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngay từ năm 2012 Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương và các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Với Luật KH&CN được Quốc hội thông qua đã tạo nên nguồn sinh khí mới, đưa KH&CN thực sự trở thành chìa khóa để phát triển kinh tế, xã hội. Luật KH&CN 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 với nhiều nội dung tháo gỡ nút thắt cho hoạt động KH&CN, tiếp cận những tư tưởng và nội dung mới, tạo khuôn khổ pháp lý thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước trong hoạt động KH&CN. Luật có nhiều nội dung mới, nổi bật là đổi mới về tổ chức KH&CN, chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ KH&CN, phương thức đầu tư cho KH&CN, ứng dụng kết quả nghiên cứu và phổ biến kiến thức KH&CN, quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu KH&CN, hội nhập quốc tế về KH&CN... 

Năm 2014, xác định việc thể chế hoá Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng và các quy định của Luật KH&CN 2013 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Bộ KH&CN đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định trong đó có những Nghị định rất quan trọng như: Nghị định số 08/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN đã có nhiều đổi mới về chính sách quản lý tài chính đối với kinh phí KHCN, trong đó, việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN được tiến hành thông qua hệ thống quỹ phát triển KHCN các cấp; Nghị định số 40/2014/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN” khẳng định quan điểm sử dụng và trọng dụng các cá nhân hoạt động KH&CN dựa trên năng lực và kết quả nghiên cứu chứ không phụ thuộc vào thâm niên công tác…

Chiều 28/8 Phiên thứ nhất Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã diễn

Phiên thứ nhất Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020

Bên cạnh đó ban hành theo thẩm quyền và phối hợp với các bộ/ngành liên quan ban hành 18 Thông tư, tạo hành lang pháp lý rộng mở, bình đẳng đối với mọi thành phần công lập, ngoài công lập, nhà khoa học Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, thúc đẩy tiềm năng KH&CN quốc gia, đổi mới phương thức quản lý, đầu tư và cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN. Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. 

Năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện Luật KH&CN Việt Nam, với rất nhiều thành tựu được đánh giá cao không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới trên tất cả các lĩnh vực từ khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, lĩnh vực cơ khí, y dược, nông nghiệp, công nghệ cao có những thành tựu đột phá tạo tiền đề cho KH&CN những năm tiếp theo. 

Lần đầu tiên sau 55 năm xây dựng và trưởng thành, Ngày KH&CN Việt Nam 18 tháng 5 chính thức trở thành ngày kỷ niệm riêng, tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu KH&CN, đưa tri thức khoa học đến với quảng đại quần chúng và khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong xã hội, là cơ sở để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, thu hút, tập hợp trí tuệ Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, với sự chỉ đạo điều hành của Ban cán sự, Đảng ủy Bộ KH&CN, Trong 5 năm qua, các sản phẩm KH&CN đã có được những kết quả ấn tượng, đưa nước ta đã trở thành một trong 4 quốc gia trên thế giới sản xuất đươc vắc-xin tiêu chảy Rota; là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới, 1 trong 3 quốc gia châu Á tự thiết kế và đóng được giàn khoan đạt tiêu chuẩn quốc tế, giàn khoan 90m nước và 120m nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có thể tự lực được trong việc chế tạo tàu hộ vệ tên lửa thế hệ tương đối hiện đại theo thiết kế của Liên bang Nga. Lần đầu tiên nước ta cũng vượt ngưỡng 2.000 công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín về KH&CN…

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông phát triển vượt bậc với việc Việt Nam đang chuẩn bị sản xuất vi mạch điện tử, thị trường viễn thông Việt Nam đã được xếp thứ 13 Châu Á về cả quy mô và tốc độ phát triển trên 3 lĩnh vực: cố định, di động và Internet... Việt Nam đã đưa lên quỹ đạo các vệ tinh viễn thông Vinasat-1 và Vinasat-2, vệ tinh nhỏ F-1 vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1 và đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon.

Trong thời gian tới Đảng ủy Bộ KH&CN sẽ đưa ra những chủ trương, định hướng như thế nào để phấn đấu hoàn thành Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thưa ông?

Giai đoạn 2015-2020 là thời kỳ cả nước tập trung phấn đấu hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó KH&CN là một trong ba khâu đột phá chiến lược để nước ta sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; tình hình kinh tế - xã hội của nước ta mặc dù đang có những chuyển biến tích cực, nhưng trong thời gian tới còn nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm của Ban chấp hành Đảng bộ Bộ KH&CN khóa XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 là làm tốt công tác xây dựng đảng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 và thực thi Luật KHCN năm 2013, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KHCN; hướng trọng tâm KHCN vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, thân thiện môi trường. 

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, trong giai đoạn tới Đảng bộ Bộ KH&CN phải tập trung chỉ đạo toàn bộ Đảng bộ, các Chi bộ làm sao thực hiện được nhiệm vụ chính trị của Bộ và của ngành KH&CN. Thiết thực hơn đó là chúng ta phải thực hiện thật tốt Nghị quyết số 20 –NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, phải tổ chức thực hiện tốt tinh thần của Luật KH&CN 2013, thực hiện tốt Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, thực hiện tốt tất cả các văn bản Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn cho Luật KH&CN. Nhiệm vụ chính trị của chúng ta là làm sao KH&CN phải thực sự đi vào đời sống và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để làm được điều đó chúng tôi nhận thấy công tác xây dựng đảng trong Đảng bộ Bộ KH&CN là rất quan trọng. Từ việc chúng ta thực hiện nghiêm túc và triển khai đầy đủ tất cả các văn bản của Trung ương, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đến tất cả Đảng bộ, Chi bộ và đảng viên là hết sức quan trọng. 

Chúng tôi thấy rằng phải tập trung trong công tác xây dựng đảng để cho Đảng bộ có đủ năng lực thực hiện vai trò là người chỉ đạo. Các Đảng bộ và Chi bộ trực thuộc là những hạt nhân, những nhân tố quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các đơn vị. Do vậy việc củng cố tổ chức Đảng, phát triển lực lượng đảng viên cũng là những việc Đảng bộ cần quan tâm. 

Bên cạnh đó, việc phối hợp với các tổ chức, chỉ đạo hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội trong Đảng bộ, trong Bộ KH&CN để làm sao tạo thành sức mạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ và của Đảng bộ. Để làm được việc đó toàn thể Đảng bộ, đảng viên thực hiện thật tốt Nghị quyết của cấp trên và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2015-2020.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang