"Đánh cược" sức khỏe với thực phẩm chức năng

author 06:29 27/08/2014

(VietQ.vn) – 43,73% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP, 17,53% các mẫu thực phẩm chức năng được kiểm nghiệm cho kết quả không đạt tiêu tuẩn công bố. Vậy còn ai có đủ niềm tin để đánh cược sức khỏe của bán thân và gia đình vào các loại thực phẩm chức năng?

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Hàng loạt vụ bê bối thực phẩm chức năng

Cùng với sự bùng nổ của những căn bệnh xã hội công nghiệp, ô nhiễm môi trường và ý thức ngày một rõ ràng của người tiêu dùng về một lối sống lành mạnh, mối quan tâm tới các sản phẩm từ thiên nhiên, về tầm quan trọng của thực phẩm trong việc phòng và chống các căn bệnh liên quan tới lối sống và dinh dưỡng,…thực phẩm chức năng cũng vì thế mà phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Thế nhưng, chất lượng của những loại thực phẩm được xem như ‘cứu tinh của sức khỏe’ này lại là một vấn đề đáng bàn cãi.

Thị trường thực phẩm chức năng giàu có về sản phẩm, công dụng nhưng lại nghèo nàn về chất lượng

Thị trường thực phẩm chức năng giàu có về sản phẩm, công dụng nhưng lại nghèo nàn về chất lượng. Ảnh minh họa

Theo kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng được công bố ngày 7.7.2014, trong số 4.514 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 1.974 cơ sở có vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), chiếm tới 43,73%. Lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng 97 mặt hàng TPCN, có 17 mẫu không đạt, chiếm 17,53%.

Các chỉ tiêu không đạt gồm có: Hàm lượng một số vitamin như A, D, E, C hoặc hàm lượng khoáng chất như canxi, hàm lượng vi chất dinh dưỡng như acid forlic hoặc axitamine như lysine HCL…Trái ngược hoàn toàn với những lời quảng cáo hoa mỹ về thần dược trị bách bệnh của các nhà sản xuất, kinh doanh.

Mới đây nhất, trong quá trình thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP), Cục ATTP, Bộ Y tế lại phát hiện trường hợp Công ty TNHH Văn Duy Phương, địa chỉ tại 214 Bis Võ Văn Tần, P5,Q3, Tp. HCM đã nhập khẩu, bán ra thị trường 2 lô sản phẩm thực phẩm chức năng: Triple Strength Glucosamin, Chondroitin & MSM có nguồn gốc từ Mỹ không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.

Công ty này sau đó đã bị buộc thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm đã nhập khẩu có chất lượng không đạt tiêu chuẩn công bố, đồng thời bị tước Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP của hai sản phẩm nói trên.

Hay trường hợp thực phẩm chức năng chứa kim loại độc vượt ngưỡng hàng nghìn lần mức cho phép của thực phẩm chức năng An cung ngưu hoàng hoàn (Angungguhwanghwan) do Korea Genneral Manyon health Corporation sản xuất, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.

Thực phẩm chức năng An cung ngưu hoàng hoàn với 'công thức từ hoàng cung' chứa kim loại độc vượt hàng ngàn lần mức cho phép

Thực phẩm chức năng An cung ngưu hoàng hoàn với 'công thức từ hoàng cung' chứa kim loại độc vượt hàng ngàn lần mức cho phép. Ảnh minh họa

Và còn nhiều, rất nhiều những vụ bê bối khác đã được các phương tiện truyền thông đưa tin trong thời gian…vài năm gần đây. Điều đáng buồn là, sau một khoảng thời gian dài như vậy, người tiêu dùng vẫn chưa được nhìn thấy một sự xê xịch đáng kể nào trong chất lượng những sản phẩm thực phẩm chức năng, thậm chí, những sản phẩm kém chất lượng vẫn tìm được kẽ hở để luồn lách ra thị trường, ung dung móc túi người tiêu dùng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng

Ai quản lý chất lượng thực phẩm chức năng?

Không thể phủ nhận rằng, sự vào cuộc rất tích cực của các cơ quan kiểm tra, xử lý vi phạm thực phẩm chức năng thời gian qua đã góp phần đáng kể trong việc phanh phui hàng loạt vụ bê bối của thực phẩm  chức năng nhập ngoại. Nhưng điều đó là chưa đủ.

Câu hỏi đặt người tiêu dùng muốn được trả lời nhất, đó là tại sao những loại thực phẩm chức năng kém chất lượng lại có thể dễ dàng len lỏi vào thị trường với giấy chứng nhận tiêu chuẩn đầy đủ. Ai là người kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho những loại thực phẩm chức năng này.

Theo quy định của Bộ Y tế, trên mỗi loại thực phẩm chức năng không được ghi, hay chỉ định có thể điều trị bất cứ loại bệnh nào mà bắt buộc phải có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Mặc dù được quy định là vậy nhưng thực tế thì thị trường thực phẩm chức năng vẫn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối và người tiêu dùng vẫn không thể có được một cái nhìn tổng thể về thực phẩm chức năng.

Thị trường thực phẩm chức năng với những quy định lỏng lẻo, được thực hiện một cách hời hợt

Thị trường thực phẩm chức năng với những quy định lỏng lẻo, được thực hiện một cách hời hợt. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng đang hoạt động trên địa bàn những thành phố lớn ở Việt Nam rất nhiều. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp, được biết các quy định, tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm chức năng không đòi hỏi nghiêm ngặt, thủ tục cấp phép đơn giản. Nhà sản xuất nộp hồ sơ lên Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm của mình.

Đối với những loại thực phẩm chức năng nhập khẩu thì càng “bát nháo”, hiện không có sự thống nhất trong việc cấp phép lưu hành. Có trường hợp, sản phẩm không phân định rõ là thuốc hay thực phẩm chức năng, nhiều sản phẩm có cùng hàm lượng như nhau, ở nước sản xuất thì được đăng ký là thuốc nhưng khi nhập về nước ta thì không được chấp nhận, và được xếp vào loại thực phẩm chức năng.

Đây chính là nguyên nhân gây ra sự nhập nhằng về phân loại thực phẩm chức năng trên thị trường. Tại một số cửa hiệu thuốc tây, một số loại thực phẩm chức năng lại được bán như một loại thuốc.

Việc không rõ ràng trong quản lý khiến thị trường thực phẩm chức năng ngày càng tràn lan và kém chất lượng. Năm 2011, Công an Kinh tế kết hợp với cơ quan QLTT Hà Nội đã phát hiện tại một đơn vị xuất nhập khẩu có hơn 1.000 thùng thực phẩm chức năng với các nhãn hiệu như: Glucosamin, Arginin, GinkgoBiloba, Vitamin E được ghi trên vỏ hộp là xuất xứ từ Mỹ, nhưng thực chất lại được sản xuất tại… Hải Dương.

Mới đây, trên thị trường xuất hiện thực phẩm chức năng hiệu Lishou (một loại thực phẩm giúp giảm cân) loại 40 viên/hộp có chứa hàm lượng sibutramine lên đến 8-10 mg/viên. Được biết, sibutramine là một hoạt chất giúp tác động lên hệ thần kinh trung ương, tạo cảm giác no và không thèm ăn. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định đây là hàng giả, có hoạt chất độc hại và Bộ Y tế đã có văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi những loại thuốc này từ tháng 4-2011.

Mặc dù đã được xử lý nhưng sau gần một năm có lệnh thu hồi, trên thị trường vẫn tràn ngập loại thực phẩm chức năng độc hại này.

Nhiều loại thực phẩm chức năng đã được xử lý, song kết quả thì vẫn 'đâu vào đó'

Nhiều loại thực phẩm chức năng đã được xử lý, song kết quả thì vẫn 'đâu vào đó'. Ảnh minh họa

Ông Đặng Văn Đức, chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM cho biết: Năm 2011 đã phát hiện và xử lý một số trường hợp kinh doanh thực phẩm chức năng giả, nhập lậu. Bà Phan Thị Việt Thu, tổng Thư ký, phó Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng TP.HCM, cho hay: Một số DN và dược sĩ phản ánh nhiều loại thuốc không đạt chất lượng đã được chuyển thành thực phẩm chức năng để dễ tiêu thụ và tránh bị cơ quan y tế kiểm soát.

Năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 40 đến 50 công ty sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm chức năng với khoảng 350 sản phẩm; đến năm 2005 có 143 cơ sở với khoảng 1.100 sản phẩm thì đến thời điểm này, nước ta đã có đến hơn 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với gần 4.000 sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Trong hơn 1.600 cơ sở kinh doanh đó có bao nhiêu cơ sở đạt tiêu chuẩn về quy trình sản xuất hay nhập khẩu thực phẩm chức năng hiện vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Phan Huyền (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang