Dùng điện thoại thông minh chọn thực phẩm

author 13:21 18/07/2016

(VietQ.vn) - Một số ứng dụng nhỏ trên điện thoại thoại thông minh có thể giúp người mua hàng biết rõ nguồn gốc sản phẩm, có phải hàng chính hãng hay không.

Nhưng, công nghệ làm giả bao bì nhãn mác ở Việt Nam cũng khiến người dùng chưa đặt nhiều niềm tin vào thông tin trên mã vạch…

Tận dụng tính năng từ điện thoại

Mua giỏ rau củ tại một của hàng thực phẩm hữu cơ trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận (TPHCM), chị Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên dạy tiếng Nhật bật một ứng dụng trên điện thoại soi vào phần nhận diện mã vạch trên sản phẩm.

Chỉ vài giây sau đó trên màn hình điện thoại hiện lên khá nhiều thông tin cơ bản: Tên sản phẩm, canh tác tại Long Thành (Đồng Nai), số luống, ngày thu hoạch…

Chị Hương cho biết, từng nhiều năm sống ở Nhật, thói quen kiểm tra nguồn gốc hàng hóa để biết chắc sản phẩm có đúng của nhà sản xuất đó hay không, quy trình sản xuất ra sao sẽ.

Chiếc điện thoại của chị Hương cũng không có gì đặc biệt, bất cứ một chiếc smart phone cũng có thể làm được điều này, chỉ cần được cài đặt những phần mền miễn phí như icheck, barcode, máy quét mã vạch…

Với bất kỳ một sản phẩm nào được đóng gói, có nhãn mác bao bì hiện nay, nếu chúng ta quan sát đều thấy có mã vạch, mã code… để cung cấp thông tin sản phẩm, quy trình kiểm soát và cũng đồng thời như một biện pháp để chống hàng giả.

Tuy nhiên, đại đa số người tiêu dùng chưa có thói quen nhận biết sản phẩm mình mua là thật hay giả, có đúng hàng chính hãng hay không…

Cài thử một vài phần mềm đọc mã vạch, tem nhận biết sản phẩm trên điện thoại, chúng tôi tiến hành khảo sát nhiều nhóm hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Các sản phẩm được khảo sát từ mì gói, bột ngọt đến các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc như: rong biển, mì, kẹo bánh, nước tăng lực... đều cho kết quả rất nhanh về mã code sản phẩm, sản xuất tại nhà máy nào, ở đâu.

Trong khi đó, những sản phẩm như: khăn giấy ướt, khẩu trang y tế giá rẻ mua tại vỉa hè một số tuyến đường thì hầu hết nhận được phản hồi về thông tin sản phẩm, thay vào đó là những cảnh bảo “hãy cân nhắc trước khi sử dụng”, được hiện trên màn hình.

Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vina (Vina CHG), công nghệ chống giả, nhái sản phẩm hầu hết được các doanh nghiệp thực hiện ngay trên bao bì sản phẩm, tùy theo cách mà nhà sản xuất lựa chọn để chống giả cho sản phẩm của mình.

Chẳng hạn, theo ông Hồng, có những loại tem chống giả trên sản phẩm chỉ nhận biết khi soi đèn có tia cực tím, có loại thì dùng nhiệt hoặc nước trà lên bề mặt mà chữ nhận biết biến mất hoặc hiện lên.

Còn theo bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Mùa (chủ thương hiệu rau hữu cơ Oganica), hiện có khoảng 45 triệu thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam nên hầu hết công nghệ chống hàng giả được các doanh nghiệp tận dụng tính năng từ những chiếc điện thoại này.

Với rau hữu cơ Oganica, theo bà Thảo, trên bao bì sản phẩm đều có mã vạch truy xuất lịch sử từ giai đoạn tỉa hạt, chăm sóc, bón phân vi sinh, thu hoạch, sơ chế, đóng gói cho đến quá trình lưu thông đưa ra thị trường.

Khi dùng đoạn thoại thông minh quét lên mã vạch, người dùng có thể truy xuất nguồn góc sản phẩm rất dễ dàng.

Ông Nguyễn Viết Hồng cho biết, với những chiếc điện thoại thông minh, người đi mua hàng có thể bật phần mềm nên mã sản phẩm quét sẽ nhanh chóng có kết quả, còn những điện thoại thông thường không cài được những phầm mềm thông minh thì cũng có thể sử dụng hình thức nhắn tin theo mã sản phẩm để xác thực nguồn gốc sản phẩm…

Đạo cao một thước, ma cao một trượng

Tuy nhiên, thực tế là ở Việt Nam công nghệ làm giả cũng tinh vi chẳng kém làm thật. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, với rất nhiều sản phẩm được đóng gói, có nhãn mác bao bì, có mã vạch và thậm chí là tem chống giả… "nhưng cơ quan này vẫn phát hiện chúng bị làm giả như thường".

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất bột ngọt cho biết, nhãn mác bao bì của doanh nghiệp này từng bị phát hiện làm giả khi các cơ sở gian dối nhập bột ngọt Trung Quốc về đóng vào các loại bao bì nhái.

Điều đáng nói là các bao bì này vẫn có mã vạch, người mua dùng các biện pháp kiểm tra vẫn có thể xuất hiện những thông tin sản phẩm vì mã vạch cũng đã bị nhái bị giả, một mã vạch, tem nhãn có thể được các đối tượng làm giả, làm nhái nhiều lần.

Theo ông Nguyễn Thành Danh, đa phần các biện pháp chống giả bằng tem nhãn, có thể in chìm, in nổi trên bao bì hiện nay đều vẫn có thể bị làm giả, làm nhái.

Trong khi đó, việc thừa nhận sản phẩm và đặc biệt là tem nhãn sản phẩm của mình bị làm giả đối với doanh nghiệp chẳng khác nào là con dao hai lưỡi.

Vì doanh nghiệp lo sợ tâm lý người tiêu dùng khi biết cùng một loại sản phẩm mà có nhiều nhà sản xuất chắc chắn họ sẽ tránh mua sản phẩm của những doanh nghiệp thừa nhận mình bị làm giả.

Ông Danh chia sẻ, bao nhiêu năm hoạt động trong lĩnh vực chống buôn bán hàng gian hàng giả, ông chỉ thấy một doanh nghiệp mỹ phẩm dám công khai thông báo với người tiêu dùng là sản phẩm của mình đang bị làm giả, đồng thời thông báo ra mẫu tem chống giả hoàn toàn mới… vì thông thường, những kẻ buôn gian bán lận sẽ phải mất từ một hai năm mới có thể nhái, hoặc nhái được những loại tem nhãn chống giả này.

Ông Nguyễn Viết Hồng cũng cho biết thêm, công nghệ chống giả trên tem hoàn toàn có đủ khả năng chống giả và người tiêu dùng có thể nhận biết dễ dàng bằng một số thao tác căn bản. Tuy nhiên vấn đề là các doanh nghiệp, nhà sản xuất có sẵn sang trang bị cho sản phẩm của mình hay không thôi.

Thư Đặng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang